Chứng khoán Mỹ đạt đỉnh mới gần 2 năm trong lúc chờ báo cáo lạm phát, giá dầu vẫn đuối

07/01/2024

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (11/12), trong bối cảnh nhà đầu tư chờ công bố báo cáo lạm phát và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô có thêm một phiên giảm do mối lo thế giới sẽ thừa cung, thiếu cầu dầu trong năm 2024.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 157,06 điểm, tương đương tăng 0,43%, chốt ở mức 36.404,93 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,39%, đạt 4.622,44 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, chốt ở 14.432,49 điểm.

Đây là mức điểm đóng cửa cao nhất của Dow Jones kể từ tháng 1/2022 và của S&P 500 kể từ tháng 3/2022. Tính đến tuần trước, S&P 500 và Nasdaq đã có 6 tuần tăng liên tiếp nhờ kỳ vọng rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024, thậm chí ngay trong quý 1.

Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall sẽ hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Ba và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Tư, tiếp đến là kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed công bố vào ngày thứ Tư. Số liệu lạm phát tháng 11 có thể ảnh hưởng tới quyết định và các tín hiệu chính sách mà Fed đưa ra trong lần họp này, cũng như kỳ vọng về lãi suất trên thị trường, từ đó khiến giá của các tài sản dịch chuyển.

“Không ai cho là Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp này, nhưng nếu số liệu lạm phát nóng hơn dự báo, đó sẽ là ‘gáo nước lạnh’ dội vào kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất”, ông Chris Larkin, phụ trách mảng giao dịch và đầu tư tại E-Trade, nhận định với hãng tin CNBC về cuộc họp sắp diễn ra của Fed.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng gần như 100% Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% trong cuộc họp tuần này. Khả năng Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3 là 43% và vào tháng 5 là 75%.  Trước khi có báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đã lên tới hơn 60%.

Trao đổi với hãng tin Reuters, nhà quản lý quỹ Ken Polcari của công ty Kace Capital Advisors cho rằng nhà đầu tư đang giữ quan điểm “chờ xem” trước khi các báo cáo lạm phát và kết quả cuộc họp của Fed được công bố, nhưng xu hướng của thị trường từ nay đến cuối năm vẫn sẽ là tăng.

“Nếu số liệu CPI yếu hơn dự báo, đó sẽ là một nhân tố rất có lợi cho thị trường, bởi sẽ khẳng định kịch bản ‘hạ cánh mềm’”, ông Polcari nhận định.

Không chỉ có cuộc họp của Fed, tuần này còn có cuộc họp của hai ngân hàng trung ương lớn khác là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Tất cả đều được dự báo là giữ nguyên lãi suất.

Giá dầu thô WTI giao tháng 1 tại thị trường New York tăng 0,09 USD/thùng, tương đương tăng 0,13%, chốt ở mức 71,32 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,19 USD/thùng, tương đương tăng 0,25%, đạt 76,03 USD/thùng.

Gần đây, giá dầu đối mặt với áp lực giảm do thị trường lo ngại thế giới sẽ thừa dầu trong năm tới, bất chấp việc liên minh OPEC+ giảm sản lượng dầu, do nhu cầu tiêu thụ có thể yếu đi trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Tính đến tuần trước, giá dầu đã giảm 7 tuần liên tiếp, chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ năm 2018.

“Chắc chắn là giá dầu còn đang ở trạng thái dễ tổn thương”, chuyên gia John Evans của công ty PVM Oil nhận định.

Các số liệu kinh tế Trung Quốc công bố vào cuối tuần vừa rồi đều không có lợi cho giá dầu. Giá tiêu dùng ở nước này giảm mạnh trong tháng 11 vừa qua, cho thấy áp lực giảm phát vẫn đeo bám do nhu cầu nội địa yếu, phủ bóng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới.