Bộ Thông tin và Truyền thông hợp tác với ADB triển khai chuyển đổi số, đưa kinh tế số đạt 20% GDP

28/10/2022

Chiều 30/6 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký Bản ghi nhớ về các nội dung hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đây sẽ là thỏa thuận mang tính bản lề, đặt nền móng cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên nhằm hỗ trợ Bộ triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 
Năm 2021 Việt Nam sẽ bắt tay vào giải quyết các thách thức của nền kinh tế bằng công nghệ số, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bản ghi nhớ bao gồm các nguyên tắc định hướng hợp tác; mục tiêu và các hoạt động hợp tác chiến lược chung như: chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; nghiên cứu xây dựng chính sách, văn bản pháp luật, giải pháp về kinh tế số, xã hội số và phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực triển khai các dự án, xây dựng nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phối hợp triển khai các chương trình, đề án, dự án phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp công nghệ số của quốc gia và cho các ngành và địa phương.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nếu 2020 là năm khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia thì năm 2021 Việt Nam sẽ bắt tay vào giải quyết các thách thức của nền kinh tế bằng công nghệ số, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngân hàng ADB là đối tác phù hợp để thực hiện kế hoạch này khi mà Chiến lược đối tác quốc gia Chính phủ số 2021-2025 của ADB đã đặt kinh tế số là trọng tâm và cùng hướng tới mục tiêu chung đưa kinh tế số của Việt Nam đạt 20% GDP vào năm 2025.

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, quan điểm của ADB chú trọng vào chuyển đổi số, lấy công nghệ số làm động lực xuyên suốt để triển khai các ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Những mục tiêu và khát vọng chung đó đã thúc đẩy sáng kiến về một kế hoạch hợp tác.

Để tối ưu hóa năng lực và khả năng hợp tác của hai bên, ông Dũng đề nghị ADB trong thời gian tới sẽ cùng phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý, chính sách, giải pháp đột phá thúc đẩy nền kinh tế số, với mục tiêu nền kinh tế số của Việt Nam đạt 20% GDP vào năm 2025; tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số một cách toàn dân và toàn diện.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mong muốn ADB nghiên cứu và thúc đẩy đầu tư vào các dự án hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông ICT, hạ tầng viễn thông làm nền tảng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, đồng thời chia sẻ các quan điểm về cách đạt được một xã hội số toàn diện, bền vững, an toàn đáng tin cậy và đổi mới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, một môi trường thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và thúc đẩy một hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy sự đổi mới sẽ là những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

Việt Nam có thể tạo dựng thành công của mình bằng cách thu hút đầu tư vào ngành công nghệ, phát huy tài năng và kỹ năng công nghệ, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất thông qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này, ông Andrew Jeffries nhận định.

 

Bản ghi nhớ bao gồm 4 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của ADB cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 gồm:

Thứ nhất, sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005 thành Luật Giao dịch điện tử và Kinh tế số;
Thứ hai, xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, thay thế Luật nghệ thông tin năm 2006;
Thứ ba, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Thứ tư, xây dựng và triển khai các chương trình hành động phát triển kinh tế số và xã hội số. Các hoạt động hợp tác này có thể được cập nhật, bổ sung trên cơ sở nhu cầu và thống nhất giữa hai bên.