VN-Index lọt top tăng mạnh nhất thế giới năm 2021

05/01/2022

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2021 với việc cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm so với năm 2020. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 394,41 điểm (35,73%) so với cuối năm trước. Do đó, chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất năm 2021. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới thuộc về Abu Dhabi-Index với 68,24%.

Bên cạnh VN-Index, hai chỉ số chứng khoán khác của Việt Nam là HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 133,35% và 51,35%.

Nguồn: IndexQ.

Nguồn: IndexQ.

TTCK Việt Nam tăng điểm kèm theo sự bùng nổ về thanh khoản trong năm 2021. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.589 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm 2020. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần và đạt 24.493 tỷ đồng/phiên. Riêng sàn HoSE thanh khoản nhiều thời điểm vượt qua Singapore, thậm chí có một số phiên bằng cả thị trường Thái Lan, trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan. Giá trị giao dịch bình quân riêng sàn HoSE đạt 21.729 tỷ đồng/phiên, gấp 3,5 lần năm 2020.

Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tại thời điểm 31/12 đạt 7,77 triệu tỷ đồng (338 tỷ USD), tăng 47% so với cuối năm 2020, tương ứng mức tăng tuyệt đối là 2,47 triệu tỷ đồng (107 tỷ USD). Mức vốn hóa này bằng 99% GDP. Trong khi đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi các kênh đầu tư tiền gửi, vàng... kém còn hấp dẫn. Trong bối cảnh đó, chứng khoán tiếp tục trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Bất chấp việc khối ngoại bán ròng kỷ lục trong năm 2021, sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong nước chính là động lực lớn nhất giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của cá nhân trong nước 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại.

Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 11 đạt hơn 4 triệu đơn vị, tương đương gần 4% dân số. Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Như vậy đến nay, tỷ lệ này của Việt Nam đang vào khoảng hơn 4,08%.

rewind-table-so-luong-tai-khoa-5782-4269

Tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 – 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. VDSC cho rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000-35.000 tỷ đồng/phiên (tăng 36% so với năm trước).

Theo NDH