Kết thúc năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm so với 2020. Kết thúc năm 2021, VN-Index tăng gần 36% lên mức 1.498,28 điểm, theo đó nằm trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới. HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 133,35% và 51,35%.
Trước diễn biến khởi sắc của thị trường, nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam ghi nhận hiệu quả đầu tư tích cực trong năm 2021. Mức tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ (NAV/ccq) của nhiều đơn vị ở mức hai chữ số và vượt mức tăng của thị trường chung.
Quỹ ETF nội hiệu quả nhất
Dù ra đời muộn nhưng quy mô và hiệu quả hoạt động của các quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) nội đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong hai năm gần đây.
Được thành lập vào tháng 4/2020, VFMVN Diamond ETF là quỹ hoạt động hiệu quả nhất trong năm qua khi ghi nhận hiệu suất lên đến 69,5%. VFMVN Diamond được vận hành bởi Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), mô phỏng theo chỉ số VN Diamond dành cho các cổ phiếu kín room ngoại. Quy mô hoạt động liên tục được mở rộng, hiện đạt trên 13.790 tỷ đồng, tức gấp gần 140 lần kể từ khi thành lập. Trong năm qua, quỹ đã hút ròng 373 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng) và hiện có khoảng 490 triệu chứng chỉ quỹ đang lưu hành.
Một quỹ ETF nội khác là SSIAM VNFIN Lead cũng hút ròng gần 100 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng) vào năm 2021. Theo đó quy mô hoạt động vượt mốc 3.300 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần thời điểm bắt đầu hoạt động tại tháng 3/2020.
VNFIN Lead được quản lý bởi Quản lý quỹ SSI (SSIAM), quỹ mô phỏng chỉ số ngành tài chính bao gồm các công ty trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Hiện NAV/ccq đạt 21.500 đồng, tương đương mức tăng 61,3% trong năm vừa qua.
SSIAM còn đang quản lý quỹ SSIAM VNX50 và SSIAM VN30, hiệu suất hai quỹ ETF này cũng đạt mức cao với 49% và 42%. Về SSIAM VNX50, đơn vị dựa trên chỉ số VNX50, khối lượng chứng chỉ quỹ là 13,5 triệu đơn vị, tương đương quy mô danh mục hơn 306 tỷ đồng. Quỹ SSIAM VN30 có 5,7 triệu chứng chỉ quỹ, quy mô hoạt động gần 107 tỷ đồng.
Tương tự, các quỹ ETF nội khác cũng có hiệu quả cao trong năm qua như VFMVN30, VinaCapital VN100 ETF, MAFM VN30 ETF… với mức tăng trưởng 40-50%.
![]() |
Ngược lại, các quỹ ETF ngoại có hiệu suất kém nhất thị trường. FTSE Vietnam Swap UCITS ETF mô phỏng theo FTSE Vietnam Index gồm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, HPG, VIC… ghi nhận mức tăng trưởng 31%. Tỷ suất sinh lời của VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) ở mức 34% - cũng thấp hơn hiệu quả thị trường chung – VN-Index.
Được thành lập từ tháng 3/2021, quỹ ETF đến từ Đài Loan là Fubon FTSE Vietnam ETF tăng trưởng 17% cả năm qua. Quỹ lấy chỉ số FTSE Vietnam 30 làm tham chiếu, tập trung rổ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn của Việt Nam.
Quy mô quỹ hơn 13 tỷ Đài Tệ (khoảng 10.782 tỷ đồng), tăng 145% kể từ khi hoạt động. Vào tháng 8/2021, Fubon FTSE Vietnam ETF thông báo sẽ phát hành thêm hơn 333.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.
Sau đợt phát hành này, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ lên khoảng 20 tỷ Đài Tệ (hơn 16.000 tỷ đồng), qua đó trở thành quỹ ETF có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiệu suất hầu hết các quỹ chủ động vượt mức tăng VN-Index
Các quỹ chủ động đã có một năm hoạt động khởi sắc khi hiệu suất đều vượt mức tăng của thị trường chung. Trong đó, quỹ đóng Vietnam Holding có tỷ suất sinh lời đạt gần 64%. Cuối tháng 11, danh mục quỹ gồm các mã FPT, MWG, KDH, VND… Hầu hết các cổ phiếu này đều tăng trưởng dương về giá trong năm vừa qua.
Hai quỹ chủ động thuộc quản lý của Dragon Capital là VFMVSF (NAV 232 triệu USD) và Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL, NAV 2,6 tỷ USD) đạt hiệu suất lần lượt 53% và 51% - cao hơn mức tăng của VN-Index. Trong đó, các khoản đầu tư lớn nhất của VEIL bao gồm nhiều cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng hơn 28% và khoản đầu tư lớn nhất HPG (tỷ trọng hơn 12%).
PYN Elite Fund (NAV gần 1 tỷ USD) cũng đầu tư hiệu quả trong năm qua với hiệu suất sinh lời đạt 42%. Việc nắm giữ tỷ trọng cao các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn đầu năm và các cổ phiếu bất động sản có vốn hóa vừa như NLG, CEO vào những tháng cuối năm 2021 là những yếu tố hỗ trợ cho mức tăng trưởng của quỹ đến từ Phần Lan.
JPMorgan VOF cũng hoạt động hiệu quả hơn thị trường chung với mức tăng trưởng 38%. Song vẫn tồn tại quỹ chủ động có hiệu suất đầu tư thấp hơn thị trường chung là VOF VinaCapital. Quỹ 1,5 tỷ đô của VinaCapital ghi nhận tỷ lệ sinh lời gần 34% trong năm qua. Danh mục quỹ với gần 15% là các khoản đầu tư private equity, hơn 4% vào trái phiếu cũng ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu suất danh mục trong bối cảnh thị trường cổ phiếu bứt phá mạnh.