VASEP: Nếu không sớm khôi phục sản xuất sẽ gãy đổ chuỗi, kiến nghị giàm 30% tiền điện cho doanh nghiệp thuỷ sản 6 tháng cuối năm

26/08/2021
VASEP: Nếu không sớm khôi phục sản xuất sẽ gãy đổ chuỗi, kiến nghị giàm 30% tiền điện cho doanh nghiệp thuỷ sản 6 tháng cuối năm

VASEP kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu khôi phục sản xuất, kinh doanh trước 15/9.

VASEP cho rằng mục tiêu trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là: sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất vẫn còn chưa đủ và chung chung. Với ngành thuỷ sản, nếu không khôi phục vào tháng 9/2021 thì sẽ có nhiều hậu quả gãy đổ chuỗi, không còn hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Riêng nuôi trồng thủy sản nếu không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu tôm, cá... sẽ ứ đọng, nông dân vô cùng khó khăn. Do đó, VASEP đề xuất trong mục tiêu cần có thời gian để nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9/2021.

VASEP và cộng đồng DN thuỷ sản đánh giá cao và thấy rõ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một văn bản với mục tiêu và ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lớn đến "sức khoẻ" tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Cộng đồng DN đang hết sức trông đợi và những quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay để không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động mà có thể phục hồi kịp thời được sản xuất, xuất khẩu và sinh kế cho nông-ngư dân trong chuỗi sản xuất thuỷ sản của Việt Nam trong bối cảnh các DN đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. VASEP đồng ý với hầu hết các quyết nghị đã đưa ra trong Dự thảo.

Giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021

Hiện nay trong chuỗi thủy sản, DN chế biến đang đóng vai trò chủ đạo, thúc đẩy và liên kết chặt chẽ với lực lượng sản xuất là đông đảo nông - ngư dân khai thác biển.

Không chỉ làm gián đoạn hoạt động chế biến của các nhà máy, đại dịch Covid-19 đã làm lĩnh vực nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề, cần được nhà nước hổ trợ mới có thể duy trì, tái đầu tư… làm nền tảng cho công tác marketing bán hàng của DN mới có thể giữ vững vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên thương trường.

Điện rất quan trọng đối với bất cứ nhà máy nào, từ khâu chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Do đó, việc hỗ trợ giảm tiền điện cho doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng - chế biến - cấp đông - bảo quản sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi.

Tuy nhiên, trong dự thảo mới chỉ có hỗ trợ cho "kho bảo quản" thì không hoàn toàn chính xác và không đủ theo đối tượng để có thể tạo ra tác động mang tính hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu duy trì và phục hồi sản xuất của chuỗi thuỷ sản.

Ngoài ra, việc đưa ra chỉ "kho bảo quản" như trong dự thảo là hoàn toàn khác với ý kiến chính thức của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN ngày 8/8/2021 về kiến nghị này của VASEP: "Kiến nghị của VASEP là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này, ngay sau hôm nay chúng tôi sẽ bàn với Tập đoàn điện lực Việt Nam để xem xét giảm một cách phù hợp. Đặc biệt ưu tiên cho nhóm bảo quản và chế biến các sản phẩm nông-thuỷ sản, hải sản".

Bảo hiểm xã hội cũng cần "chung lưng" trả lương cho người lao động

VASEP cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần chi trả lương cho người lao động đang đóng BHXH của các doanh nghiệp khi người lao động (NLĐ) phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện CT16 bởi trong bối cảnh phải ngừng sản xuất hoặc co hẹp sản xuất, DN đã phải chịu rất nhiều khó khăn bao gồm cả áp lực lớn về chi phí. Trong đó có chi phí phải trả lương cho NLĐ của mình khi NLĐ đi cách ly hoặc không thể tham gia sản xuất (giảm công suất khi thực hiện 3 tại chỗ, ngừng sản xuất).

Hơn nữa, BHXH chi trả lương cho NLĐ (đang đóng BHXH) trong trường hợp nêu trên, thay vì DN phải trả, là hoàn toàn phù hợp và phát huy được vai trò của BHXH.

Hiện nay, kết dư của các quỹ bảo hiểm đang rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt gần 935,1 nghìn tỷ đồng, trong đó các quỹ kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản hơn 12,7 nghìn tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) hơn 53,7 nghìn tỷ đồng; Quỹ BHTN hơn 89,1 nghìn tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất hơn 789,1 nghìn tỷ đồng. Một vấn đề đáng lưu ý là Quỹ Ốm đau, thai sản dù có năm thứ 2 liên tiếp "số thu nhỏ hơn số chi" mà vẫn có nguồn kết dư chuyển sang năm sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã nêu: "Có ý kiến cho rằng, các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách Nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng",

Với mức kết dư lớn như trên, BHXH hoàn toàn có khả năng và cần đóng góp nguồn lực cho việc chi trả lương cho NLĐ trong bối cảnh DN đang vật lộn khó khăn và đang kiệt quệ nguồn lực do đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, VASEP cũng đề nghị tất cả DN, không riêng gì các DN bị tác động bởi dịch Covid-19 được giảm đóng kinh phí công đoàn xuống tối đa 1% từ mức 2% quỹ lương vì nhiều DN đã ngưng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và phí công đoàn là vô cùng lớn. Việc cần có ngay chính sách hỗ trợ cho DN và NLĐ như đề nghị trên từ Tổng Liên đoàn Lao động vào lúc này vừa phát huy vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa có ý nghĩa để chung tay với Chính phủ và cộng đồng DN. Hơn nữa, kết dư quỹ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn nhiều và có thể sắp xếp được.

Dừng thu phí, điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, KCN

VASEP đề nghị Tp.Hồ Chí Minh và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng và đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện,...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.

Về các chi phí sản xuất, VASEP đề đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.

Theo CafeF