Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 394,41 điểm (35,73%) so với cuối năm trước. HNX-Index tăng đến 133,35% lên 473,99 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 51,35% lên 112,68 điểm.
Điểm đáng chú ý của thị trường chứng khoán trong năm 2021 đó là cả khối ngoại và khối tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) đều bán ròng mạnh. Theo dữ liệu của FiinPro, khối tự doanh trong năm 2021 mua vào 2,38 tỷ cổ phiếu trên HoSE, trị giá 105.802 tỷ đồng, trong khi bán ra 2,63 tỷ cổ phiếu, trị giá 108.469 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 254,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 2.666 tỷ đồng. Trước đó, khối tự doanh đã có 2 năm liên tiếp mua ròng trong 2019 (57,3 tỷ đồng) và 2020 (262 tỷ đồng).
Tuy nhiên nhìn sâu hơn vào giao dịch của dòng vốn này, khối tự doanh lại giao dịch có phần tích cực khi mua ròng đột biến 5.330 tỷ đồng nếu chỉ xét về giao dịch khớp lệnh. Do phương thức khớp lệnh ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu cũng như biến động của thị trường chứng khoán nên giao dịch của khối tự doanh năm 2021 nhìn chung lại có phần tích cực.
![]() |
Diễn biến giao dịch của khối tự doanh theo tháng trong năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Xét theo tháng, khối tự doanh chỉ có 3 tháng mua ròng, trong đó hai tháng 9 và 10 dòng vốn này mua ròng rất mạnh với lần lượt 1.417 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng. Chính sự tích cực trong hai tháng kể trên đã thu hẹp đáng kể lượng bán ròng của khối tự doanh ở năm 2021. Trái ngược hoàn toàn khi nhìn theo phương thức khớp lệnh, số tháng bán ròng chỉ vỏn vẹn 3.
![]() |
Các cổ phiếu/CCQ có giá trị mua (bán) ròng lớn nhất của khối tự doanh CTCK. Nguồn: FiinPro. |
Các chứng chỉ quỹ ETF nội đều bị khối tự doanh bán ròng mạnh và phần lớn thông qua phương thức thỏa thuận. Đứng đầu danh sách bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 2.923 tỷ đồng. Tiếp sau đó, chứng chỉ quỹ FUESSVFL cũng bị bán ròng 1.178 tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ ETF khác là E1VFVN30 đứng thứ 5 trong danh sách bán ròng với 582 tỷ đồng. Trong khi đó, vị trí thứ 3 và 4 về giá trị bán ròng của khối tự doanh thuộc về HPG và VND với giá trị lần lượt 840 tỷ đồng và 612 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, KDH được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với 860 tỷ đồng. MWG cũng được mua ròng 695 tỷ đồng. Các cổ phiếu ngân hàng gồm VPB, TCB, CTG hay ACB về góp mặt trong danh sách bán ròng mạnh của khối tự doanh.
Giao dịch tiêu cực hơn nhiều tự doanh CTCK, khối ngoại bán ròng kỷ lục 57.832 tỷ đồng (gấp 3,8 lần năm ngoái) trên sàn HoSE năm 2021. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng gần 73.640 tỷ đồng.
Toàn bộ cả 10 cổ phiếu trong danh sách bán ròng mạnh nhất sàn HoSE đều có giá trị trên 1.000 tỷ đồng. HPG đứng đầu danh sách bán ròng toàn thị trường chứng khoán năm 2021 với giá trị lên đến 18.925 tỷ đồng. VPB và VNM đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 9.331 tỷ đồng và 6.630 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 4.663 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về khớp lệnh, cổ phiếu chỉ được mua ròng trên 379 tỷ đồng. STB đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng với 4.206 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND và FUESSVFL đều được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 3.173 tỷ đồng và 1.154 tỷ đồng nhưng chủ yếu thông qua thỏa thuận.