Thấy gì làn sóng tăng vốn năm 2021?

31/12/2021

Chưa bao giờ cổ phiếu của doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm tăng vốn lại hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư như năm 2021 bất chấp kết quả kinh doanh khả quan hay không. Thực tế chứng minh nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ thêm tiền mua cổ phiếu phát hành đã đạt được mức sinh lời vượt trội.

ava-n.jpg

Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển.

Cơ hội vàng để huy động vốn từ thị trường chứng khoán

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4 nhưng lại là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán. Bất chấp sự cố nghẽn lệnh tại HoSE trong suốt nửa đầu năm, thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ và lập hàng loạt kỷ lục mới từ điểm số đến thanh khoản.

VN-Index vượt qua mức đỉnh hơn 1.200 điểm của năm 2018 vào tháng 3 để rồi vượt 1.500 điểm vào những tháng cuối năm. Cùng với đó là thanh khoản tăng mạnh, tháng 11 đạt mức 30.000 – 40.000 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm nhờ dòng tiền tiếp tục chảy vào của nhà đầu tư F0. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt nam (VSD), số lượng mở mới trong 11 tháng qua là hơn 1,3 triệu tài khoản, gấp hơn 5 năm trước đó.

vn-index-28-12.png

Nhiều chuyên gia nhận định 2021 là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp huy động vốn chủ sở hữu. Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Hội sở chứng khoán Mirae Asset đánh giá đây là thời điểm thuận lợi nhất trong 10 năm qua để doanh nghiệp huy động vốn từ kênh chứng khoán, nhờ những yếu tố ủng hộ như thanh khoản, tâm lý đầu tư và mức độ tăng trưởng lợi nhuận cao của một số ngành nghề đặc thù.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương – Giám đốc kinh doanh tại Hội sở Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng thị trường chứng khoáng bùng nổ là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện việc phát hành cổ phiếu vì tỷ lệ thành công sẽ rất cao. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, doanh nghiệp rất cần vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường sức khoẻ tài chính. Nguồn lực này còn bổ trợ tốt cho tăng trưởng vĩ mô trong những năm tiếp theo khi được vận dụng hợp lý và chiến lược rõ ràng.

Tận dụng thời điểm thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng vốn, trở thành động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Theo thống kê của Fiin Pro trên các doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên các sàn giao dịch tập trung, số lượng cổ phiếu dự kiến được chào bán giai đoạn 2021-2023 là hơn 20,5 tỷ đơn vị, riêng thực hiện trong năm nay là 19,87 tỷ đơn vị. Ba nhóm doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhiều nhất là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 7,4 tỷ cổ phiếu được chào bán, tương đương hơn 94.700 tỷ đồng huy động qua kênh chứng khoán. Riêng Vietnam Airlines huy động được nhiều nhất với 7.961 tỷ đồng, trong đó SCIC thay cổ đông Nhà nước góp 6.895 tỷ đồng.

huy-dong-von-lon-6217-1640844783.png

Top 10 doanh nghiệp huy động được vốn lớn nhất trên thị trường chứng khoán năm 2021.

Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, MBBank, SHB, ABBank, LPB, SSB… lên kế hoạch huy động vốn trong năm nay nhưng chính thức triển khai là 4 đơn vị gồm TPBank, SSB, SHB và ABBank.

Nhóm bất động sản góp mặt rất nhiều cái tên trong top đầu chào bán cổ phiếu tăng vốn xong trong năm nay như Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, Thaiholdings, Đô thị Kinh Bắc, Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land), Becamex IJC, Novaland, DIC Corp…

Nổi trội nhất chính là nhóm chứng khoán. Hàng loạt doanh nghiệp từ lớn để nhỏ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu như SSI, VNDirect, VIX, SHS, TPS… để đáp ứng nhu cầu thị trường khi quy mô giao dịch ngày càng tăng mạnh. Ngay cả những công ty chứng khoán ngoại cũng được bơm vốn như KB Việt Nam, Maybank KimEng, Yuanta Việt Nam, Mirae Asset… Phần lớn các doanh nghiệp chứng khoán đều huy động vốn thành công và quy mô tăng rất mạnh năm qua.

Hiện nay, cuộc đua tăng vốn của khối chứng khoán được tái khởi động để bắt kịp với tốc độ tăng của thị trường. Những công ty chứng khoán đầu ngành như SSI, VNDirect, SHS… đã hoặc có kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bàn phương án tăng vốn lần 2.

Mặc dù thị trường chứng khoán sôi động là cơ hội tốt tăng vốn, tuy nhiên năm nay cũng là năm đầu tiên áp dụng nhiều luật mới cùng yếu tố dịch bệnh khiến cho quá trình hoàn thiện hồ sơ bị kéo dài hơn dự kiến. Nhiều công ty trong quá trình hoàn thiện hồ sơ phát hành đã phải lấy ý kiến cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài và cam kết phương án phát hành không làm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn cho phép. Do vậy, sau quý III trầm lắng thì khi dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp lập danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu trong quý IV như Bamboo Capital, Tracodi, DNP Corp, Nhựa Tân Phú...

Doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng hưởng lợi

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn là yếu tố khó đoán định, hoạt động kinh doanh luôn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước mỗi đợt dịch tái bùng phát thì huy động từ kênh vốn góp của chủ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp không phải lo lắng trả lãi suất định kỳ như vay nợ hay chào bán trái phiếu.

Ví dụ như nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể triển khai hoạt động bán hàng ảnh hưởng lớn đến dòng tiền. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho những đơn vị đã chạm ngưỡng vay nợ theo mục tiêu của từng doanh nghiệp.

Đầu tư Nam Long vừa chào bán thành công 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá phát hành 33.500 đồng/cp, huy động được hơn 2.000 tỷ đồng. Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long chia sẻ việc huy động được nguồn vốn lớn từ chào bán cổ phiếu giúp cho dư địa huy động nợ tăng lên tương ứng. Tùy khẩu vị rủi ro mỗi doanh nghiệp sẽ có tỷ lệ nợ khác nhau, như tại Nam Long là 1:1 (cơ cấu nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở tỷ lệ 1:1). Mặt khác, ngoài huy động vốn ở cấp độ tập đoàn thì Nam Long cũng thường xuyên huy động vốn ở cấp độ dự án, tức hợp tác với các đối tác khác để thực hiện dự án. Qua đó, từ 2.000 tỷ đồng có được từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Nam Long có thể nhân quy mô vốn lên 8.000 tỷ đồng, nguồn vốn này hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Ở lĩnh vực dịch vụ tài chính, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Đà thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua buộc các công ty chứng khoán phải có nguồn vốn lớn để tạo ra lợi thế trong việc cho vay margin bởi các giới hạn tổng lượng cho vay margin không được quá 2 lần vốn chủ sở hữu.

thanh-khoan-1.png

Quy mô giao dịch của thị trường tăng mạnh so với đầu năm. Đơn vị: tỷ đồng

Ban lãnh đạo SSI nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh từ đầu năm 2021 về cả quy mô, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư. Hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hệ thống KRX) được kỳ vọng đưa vào hoạt động từ năm 2022 mở ra cơ hội triển khai nhiều sản phẩm mới như bán chứng khoán chờ về, giao dịch T0, triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tập (CCP) giúp nhà đầu tư có thể không phải ký quỹ 100% tiền mặt để mua chứng khoán như hiện nay mà chỉ cần ký quỹ 1 lượng nhỏ 10-20% giúp nhà đầu tư có đòn bẩy tốt hơn khi giao dịch chứng khoán. Do vậy, các công ty chứng khoán nói chung và SSI nói riêng cần phải tăng năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cung cấp sản phẩm mới trong năm 2022 và các năm tiếp theo. 

SSI có kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu 497,3 triệu cổ phiếu và chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu. Qua 2 đợt phát hành, vốn điều lệ SSI sẽ đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn một ngân hàng thương mại.

chung-khoan-ssi.png

SSI có kế hoạch tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng, tương đương quy mô của các ngân hàng thương mại.

Qua đợt chào bán tháng 6, quy mô vốn chủ sở hữu của VNDirect tăng từ 3.824 tỷ đồng đầu năm lên 8.543 tỷ đồng cuối quý III. Dù vậy, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT, cho biết số tiền huy động được từ đợt tăng vốn tháng 6 được sử dụng hết sau 2 tháng và hiện đã chạm trần các tỷ lệ cho phép của UBCKNN. Như vậy, số vốn này chưa đáp ứng được tiềm năng thị trường và phải lên kế hoạch tăng vốn kịp thời để đón nhận chu kỳ tăng trưởng mới.

Năm nay là năm cùng vui của cả doanh nghiệp huy động vốn lẫn nhà đầu tư. Doanh nghiệp huy động được vốn còn nhà đầu tư lãi lớn nhờ mua cổ phiếu phát hành thêm. Đặc biệt là những nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào cổ phiếu chứng khoán thời gian qua. Rất nhiều công ty như Chứng khoán SSI, VNDirect, MBS, HSC, Chứng khoán VIX đều phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp đến 14.500 đồng/cp. Sau khoảng 3 tháng, khi lượng cổ phiếu về đến tài khoản nhà đầu tư thì thị giá đã quay trở về thời điểm trước chia, thậm chí tăng mạnh.

Ví như Chứng khoán MBS thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20:3 và bán ưu đãi giá 10.000 đồng/cp tỷ lệ 7:3. Tại ngày chốt quyền 17/5 giá cổ phiếu bị điều chỉnh từ vùng 27.000 đồng/cp về 19.700 đồng/cp. Sau hơn 2 tháng, khi lượng cổ phiếu phát hành thêm về tài khoản nhà đầu tư thì giá đã tăng lên trên 31.000 đồng/cp và hiện nay ở vùng 40.900 đồng/cp. Diễn biến tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu SSI, VND hay VIX…

Hay như Tập đoàn Gelex thực hiện chốt quyền chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp vào đầu tháng 6. Thời điểm chốt quyền, thị giá cổ phiếu ở vùng 26.000 đồng/cp, sau khi điều chỉnh thì đến nay cổ phiếu đã lên vùng hơn 37.600 đồng/cp (giá đã điều chỉnh khi thực hiện trả cổ tức 9% bằng cổ phiếu).

Trong trường hợp phát hành riêng lẻ, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức giá khá thấp so với thị giá trên sàn. Dù cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch từ 1 đến 3 năm tùy doanh nghiệp nhưng tỷ lệ thành công của doanh nghiệp đa phần là 100%. Nhà đầu tư đã hạn chế rủi ro bằng cách bán lượng cổ phiếu đang sở hữu trên sàn với giá cao và mua cổ phiếu phát hành thêm giá thấp hơn.

Phương pháp này đã được cổ đông lớn - Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân – của DIC Corp áp dụng. Cụ thể, doanh nghiệp triển khai chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp. Thiên Tân là đơn vị đăng ký mua nhiều nhất với 38 triệu đơn vị. Trước khi DIC Corp triển khai phương án phát hành, Thiên Tân đã bán khoảng 17 triệu cổ phiếu DIG khi thị giá liên tục tăng mạnh từ vùng 22.000 đồng/cp lên 33.000 đồng/cp.

Tương tự, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra hàng chục triệu cổ phiếu KBC trước khi đăng ký mua 12 triệu đơn vị trong đợt phát hành riêng lẻ 88 triệu cổ phiếu của Đô thị Kinh Bắc.

Hiện các cổ phiếu nói trên thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn rất nhiều so với giá chào bán. Cụ thể, KBC hiện giao dịch vùng giá 60.000 đồng/cp, tăng 76% so với giá chào bán riêng lẻ; DIG ở vùng giá 98.000 đồng/cp, gấp gần 5 lần; NLG gấp đôi…

niem-vui.png

Niềm vui đến với cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Không những sau khi phát hành cổ phiếu mới tăng giá mà trong quá trình thực hiện cổ phiếu đã tăng giá tạo nên động lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh kém khả quan nhưng nhờ phương án tăng vốn mà cổ phiếu tăng giá như Becamex ACC, Tasco, Sara Việt Nam…

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới Hội sở chứng khoán Mirae Asset cho rằng đợt tăng vốn giúp bổ sung nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và tăng tốc trong chiến lược trung và dài hạn của doanh nghiệp. Đây có thể là yếu tố giúp nhà đầu tư đánh giá cao hơn với doanh nghiệp huy động vốn thành công khiến cổ phiếu tăng giá.

Kênh huy động vốn trung và dài hạn

Tôn chỉ ngay từ khi ra đời của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tại tọa đàm diễn ra đầu tháng 11, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính tái khẳng định chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Qua 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán đang ngày càng thể hiện tầm quan trọng và làm tốt vai trò này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cơ quan quản lý đang từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về chuyển đổi số nền kinh tế; quản lý, giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững; chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và có mục tiêu trở thành 1 trong 4 thị trường chứng khoán lớn của khu vực ASEAN… Mục tiêu cụ thể gồm quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán phái sinh đạt khoảng 20% đến 30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng khẳng định “Rất nhiều người chọn đầu tư chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Cơ hội có một không hai để nước ta phát triển thị trường vốn!”.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect đánh giá sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã giúp cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam trở nên bền vững hơn rất nhiều. Trong qua trình tư vấn cho nhà đầu tư cùng doanh nghiệp gần đây, lãnh đạo VNDirect nhận thấy nhu cầu nhà đầu tư rất lớn và bản thân các doanh nghiệp cũng có sự trưởng thành. Đơn cử năm nay có những giao dịch mà lần đầu tiên trong lịch sự hoạt động thực hiện thành công, đó là một doanh nghiệp tư nhân có thể huy động vốn lên đến 11.000 tỷ đồng.

Ông Quỳnh cho rằng thị trường chứng khoán phát triển mạnh trong 2 năm, tài khoản chứng khoán mở mới trên thị trường tăng cao, nhưng mới đạt khoảng 4% dân số và trong đó cũng chỉ khoảng hơn 1% dân số thực sự giao dịch chứng khoán. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán còn rất lớn.

Theo NDH