SCIC chi gần 6.900 tỷ đồng để mua cổ phiếu Vietnam Airlines

14/09/2021

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo đã giải ngân gần 6.895 tỷ đồng để mua 689,5 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines (HoSE: HVN) phát hành thêm.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2021, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng.

Cổ đông Nhà nước sở hữu 86,19% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên được quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu mới. Chính phủ đã ủy quyền cho SCIC thực hiện giao dịch này. 

Việc đầu tư của SCIC được thực hiện trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số vốn góp này dự kiến bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, cũng như hạn chế các tác động của đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, SCIC cho biết hãng hàng không quốc gia sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Theo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, SCIC tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”.

SCIC giải ngân gần 6.895 tỷ đồng để mua cổ phiếu HVN.

SCIC giải ngân gần 6.895 tỷ đồng để mua cổ phiếu HVN. Ảnh: Vietnam Airlines

Gần đây cổ đông chiến lược sở hữu 8,77% vốn tại Vietnam Airlines là hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản đã chuyển nhượng lại toàn bộ quyền mua khoảng 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines do cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.

Công đoàn của Vietnam Airlines sẽ đại diện và thay mặt ANA thực hiện việc chuyển nhượng quyền mua. Mỗi người lao động dự kiến sẽ được mua khoảng 3.000-5.700 cổ phần (tùy đối tượng).

Ngoài kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn, đầu tháng 7 vừa qua, hãng hàng không đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Việc cho vay tái cấp vốn và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020, giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. 

Tính đến cuối quý II, Vietnam Airlines đã có 6 quý lỗ liên tiếp, theo đó lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (gần 14.183 tỷ đồng) và âm 2.750 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tổng vay nợ tài chính của Vietnam Airlines là 34.462 tỷ đồng, trong đó dài hạn chiếm 59%.

Do đó, việc SCIC đẩy nhanh nhanh giải ngân sẽ giúp hãng hàng không thanh toán một phần nợ vay; tăng vốn điều lệ và cổ phiếu HVN có thể tránh được nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE. 

Từ ngày 15/4, mã chứng khoán này đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu HVN đang trên đà phục hồi với 6 phiên tăng liên tiếp, tương đương mức tăng 27% sau nửa tháng. Đóng cửa phiên 13/9, thị giá mã chứng khoán này đạt 26.800 đồng/cp, đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất mà cổ phiếu HVN đạt được kể từ đầu năm 2020.

Theo NDH