Sau thư “kêu cứu” lên Thủ tướng của 36 doanh nghiệp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chốt giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trước 31/3

23/03/2023
Sau thư “kêu cứu” lên Thủ tướng của 36 doanh nghiệp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chốt giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trước 31/3
Sau thư “kêu cứu” Thủ tướng của 36 doanh nghiệp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chốt giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trước 31/3. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Bộ Công Thương vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi EVN về việc thoả thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, trong đó yêu cầu EVN phải thống nhất giá điện trước 31/3.

Văn bản nêu rõ, ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản số 107/BCT-ĐTĐL đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngày 2/3/2023, Bộ Công Thương có văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Treo hơn 4.676 MW công suất phát điện

Theo các thông tin công bố, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời cho biết, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Trong cuộc họp ngày 20/3 giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, mặt trời, các nhà đầu tư kiến nghị, EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh. Ngoài ra, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, được đóng điện và ghi nhận sản lượng.

Theo Quyết định 21 quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được Bộ Công Thương ban hành, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.

Bài toán đau đầu nhà đầu tư

Thực tế cho thấy, biểu giá hỗ trợ (FIT) cho điện gió, điện mặt trời sau khi hết hiệu lực thì nhiều dự án dừng để chờ cơ chế giá mới làm tiền đề cho thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trải qua thời gian khá lâu cũng đã được Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3-10-2022. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng quy định này trái ngược với các chính sách trước đó nên vô cùng lo lắng bởi các điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính khiến các nhà đầu tư thiệt hại, có thể thua lỗ và phá sản.

Trở ngại không nhỏ là việc thỏa thuận mua giá bán điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp chưa được thống nhất giữa EVN và các nhà đầu tư. EVN hiện vẫn là đơn vị kinh doanh độc quyền - ai cung cấp điện thì chỉ bán cho EVN, ai có nhu cầu sử dụng điện cũng phải mua từ EVN.

Theo nhận định của các chuyên gia, phát triển năng lượng tái tạo còn gặp trở ngại bởi những thay đổi chính sách, EVN tạm ngừng thanh toán tiền mua điện và yêu cầu các nhà đầu tư phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng, hồ sơ an toàn phòng chống cháy nổ. Trong khi hầu hết các nhà đầu tư đi vay ngân hàng làm xong dự án bán điện lại cho EVN, rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, nguy cơ phá sản.

Phát triển điện gió, điện than phải đi kèm với hệ thống cạnh tranh tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp. Thế nhưng, ngành điện vẫn còn trong số ít dịch vụ, hàng hóa độc quyền dù đã có chủ trương hình thành thị trường phát điện cạnh tranh cách đây hàng chục năm. Luật Điện lực cũng quy định tách đơn vị phát điện độc lập không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện.

Thủ tướng yêu cầu cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời

Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; làm việc với tỉnh Bạc Liêu, các nhà đầu tư về phát triển năng lượng tái tạo tại Bạc Liêu và Việt Nam. Tại đây, Thủ tướng đã yêu cầu cần cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời .

Sau thư “kêu cứu” lên Thủ tướng của 36 doanh nghiệp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chốt giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp trước 31/3 - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời. Ảnh:VGP

Tại buổi làm việc nói trên, Thủ tướng cũng nêu ra thực trạng những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng "đua nhau làm" điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng tới cân đối cung cầu; có tình trạng mua giá điện mặt trời, điện gió với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện với giá thấp.

Cũng theo Thủ tướng, những năm trước, khi công nghệ chưa phát triển, giá điện gió, điện mặt trời ở thời điểm đó có thể là phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư, nhưng hiện nay giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác. Trong khi công nghệ điện tiến bộ rất nhanh và đến nay chi phí sản xuất đã giảm nhiều. Mặt khác, các nhà đầu tư không đầu tư hệ thống truyền tải mà Nhà nước phải đầu tư với kinh phí lớn.

Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu.

"Phải tất cả cùng thắng hoặc hòa. Nếu Nhà nước, người dân có lợi mà nhà đầu tư chịu thiệt thì không ai làm. Nếu nhà đầu tư có lãi, Nhà nước bù lỗ, người dân chịu giá cao thì không tồn tại được. Chúng ta nhất quán quan điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giữ môi trường pháp lý ổn định nhất nhưng cái gì không hợp lý thì phải điều chỉnh, chúng ta làm vì lợi ích quốc gia, dân tộc", Thủ tướng nói.

Theo CafeF