Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 20.600 tỷ đồng sau 7 tuần giao dịch

20/12/2021

Thị trường chứng khoán biến động giằng co rung lắc trong tuần giao dịch từ 13-17/12. Dù vậy, VN-Index có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp. Chỉ số này kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.479,79 điểm, tương ứng tăng 16,25 điểm (1,1%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 5,45 điểm (1,2%) lên 456,2 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,2%) xuống 111,6 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 33.729 tỷ đồng/phiên, tăng 16,95 so với tuần trước. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 16% và đạt 30.922 tỷ đồng/phiên.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch tích cực hơn và có đóng góp quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường chung. Tương tự là các tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) cũng giao dịch tích cực trở lại. Trong khi đó, cả khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán đều giao dịch tiêu cực.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 7 liên tiếp trên HoSE với giá trị gấp 4,5 lần tuần trước và ở mức 2.400 tỷ đồng, trong đó có 1.632 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Tính chung cả 7 tuần vừa qua, dòng vốn này mua ròng tổng cộng 20.598 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Hai cổ phiếu VPB và HPG được các cá nhân trong nước mua ròng rất mạnh với giá trị lần lượt 1.267 tỷ đồng và 1.057 tỷ đồng. GEX và NLG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 485 tỷ đồng và 440 tỷ đồng. SSI cũng được mua ròng 337 tỷ đồng. Trong khi đó, APH bị bán ròng mạnh nhất với 259 tỷ đồng. VIC và VIX đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng.

Bên cạnh các cá nhân trong nước, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 637 tỷ đồng ở sàn HoSE (mua ròng 671 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

APH được dòng vốn này mua ròng mạnh nhất với 304 tỷ đồng. MWG và VIX được mua ròng lần lượt 239 tỷ đồng và 221 tỷ đồng. Trong khi đó, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 368 tỷ đồng. NLG cũng bị bán ròng 242 tỷ đồng. Tiếp sau đó, GEX bị bán ròng 181 tỷ đồng.

Trái ngược hoàn toàn với cá nhân và tổ chức trong nước (không gôm tự doanh), khối ngoại bán ròng trở lại 1.930 tỷ đồng ở sàn HoSE, tương ứng khối lượng bán ròng là gần 63 triệu cổ phiếu.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

VPB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng đột biến với 1.226 tỷ đồng. HPG cũng bị dòng vốn ngoại bán ròng gần 700 tỷ đồng. GEX và NVL đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 215 tỷ đồng và 177 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 389 tỷ đồng. VND và VRE được mua ròng lần lượt 181 tỷ đồng và 177 tỷ đồng. Các cổ phiếu được thêm vào danh mục của hai ETF V.N.M và FTSE là DGC, DIG, ITA hay VPI đều nằm trong top mua ròng của khối ngoại tuần này.

Đối với khối tự doanh, dòng vốn này bán ròng hơn 16,2 triệu cổ phiếu, dù vậy, nếu xét về giao dịch khớp lệnh thì khối này bán ròng 246 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

MSN bị tự doanh CTCK bán ròng mạnh nhất với 195 tỷ đồng. SSI và MWG bị bán ròng lần lượt 192 tỷ đồng và 191 tỷ đồng. VIC và STB đều có giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với 60 tỷ đồng. VHM và VCG được mua ròng lần lượt 38 tỷ đồng và 32 tỷ đồng.

Theo NDH