Những góc khuất trong vụ giải cứu Credit Suisse

23/03/2023

Trong khi Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và cơ quan giám sát tài chính nước này FINMA công bố rằng Credit Suisse vẫn ổn, trong phòng kín đã diễn ra một cuộc chạy đua để giải cứu ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ.

Những cuộc thảo luận bí mật này đã dẫn tới xoá sổ một trong những biểu tượng tài chính của Thuỵ Sỹ, một cuộc sáp nhập được bảo lãnh bởi 260 tỷ Franc (tương đương 280 tỷ USD) tiền nhà nước, và một động thái đảo lộn trật tự tài chính toàn cầu: đặt cổ đông lên trước trái chủ. Hãng tin Reuters cho rằng chuỗi sự kiện ở Thuỵ Sỹ - quốc gia từ lâu được biết đến như một pháo đài của trung lập chính trị, nhân tố đảm bảo vị thế của nước này là hầm trú ẩn cho gia sản của tầng lớp nhà giàu thế giới - đi ngược lại một trong những bài học chủ đạo của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Cuộc giải cứu Credit Suisse có thể tập trung những rủi ro thậm chí còn lớn hơn vào một “gã khổng lồ” là nhà băng lớn nhất Thuỵ Sỹ UBS.

Ngoài ra, việc đặt trái chủ vào vị thế hứng chịu thiệt hại thay cho nhà đầu tư cổ phiếu trong “cuộc hôn nhân sắp đặt” UBS-Credit Suisse đã khiến các nhà cho vay nổi giận. Điều này đẩy chi phí vay vốn trái phiếu lên cao hơn, đặt ra mối nguy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

NIỀM TIN KHỦNG HOẢNG, TIỀN GỬI THÁO CHẠY

Sau nhiều năm ngập trong bê bối và thua lỗ, Credit Suisse suốt nhiều tháng qua đã chìm vào một cuộc khủng hoảng niềm tin mà chính ngân hàng này tạo ra. Và chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi, số phận của Credit Suisse đã được định đoạt.

Ngay sau khi có tin vào ngày 12/3 rằng nhà chức trách Mỹ sẽ vào cuộc để bảo đảm toàn bộ tiền gửi tại hai ngân hàng khu vực gặp khó khăn về thanh khoản của nước này, chú ý đã đổ dồn vào Credit Suisse. Giới đầu tư lập tức đặt câu hỏi liệu nhà băng Thuỵ Sỹ này sẽ duy trì niềm tin của người gửi tiền bằng cách nào. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối cùng của năm 2022, khách hàng đã rút 110 tỷ USD khỏi Credit Suisse, một cuộc tháo chạy của tiền mà ngân hàng này đã gắng sức để đảo ngược.

Nguồn tin là một người đã từng giữ vai trò trung gian trong các cuộc giải cứu ngân hàng ở châu Âu thời khủng hoảng tài chính tiết lộ với Reuters rằng sau khi chứng kiến các ngân hàng Mỹ “sập tiệm”, ông đã gần như chắc chắn rằng UBS sẽ được “gõ cửa” để nhờ giúp Credit Suisse. Hôm 13/3, ông gọi điện cho UBS để báo tin rằng ngân hàng quản lý gia sản lớn nhất thế giới này nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc nhận một cuộc gọi quan trọng từ nhà chức trách Thuỵ Sỹ.

Hai ngày sau, cuộc khủng hoảng ở Credit Suisse đã tới mức gần như không thể cứu vãn. Tuyên bố từ Chủ tịch Ammar Al Khudairy của Saudi National Bank, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, rằng ông không thể đầu tư thêm vào Credit Suisse đã đẩy cổ phiếu Credit Suisse vào một vòng xoáy giảm giá. Nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu này ngay cả khi ông Khudairy khẳng định ông vẫn tin tưởng vào Credit Suisse.

“Credit Suisse là một ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống toàn cầu và được theo dõi hàng ngày. Sẽ không có gì gây bất ngờ như trong trường hợp một ngân hàng tầm trung ở Mỹ. Đây là một hệ sinh thái hoàn toàn khác biệt”, ông Khudairy nói với Reuters khi đó.

Nguồn tin là một nhà tư vấn cho vụ sáp nhập Credit Suisse vào UBS nói rằng một lượng lớn tiền gửi đã tháo chạy khỏi nhà băng này sau đó, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

So sánh tình trạng của UBS và Credit Suisse trước khi sáp nhập - Nguồn: Reuters.
So sánh tình trạng của UBS và Credit Suisse trước khi sáp nhập - Nguồn: Reuters.

Tại Zurich, thủ phủ của ngành ngân hàng Thuỵ Sỹ, và ở Bern, thủ đô của nước này, sức ép mỗi lúc một lớn. Nhưng trong lúc diễn ra các cuộc thảo luận để cứu Credit Suisse khỏi bờ vực sụp đổ, FINMA và SNB nói rằng “vấn đề tại một số ngân hàng Mỹ không đặt ra rủi ro lây lan trực tiếp tới thị trường tài chính Thuỵ Sỹ”. Dù vậy, các cơ quan này cũng tuyên bố sẽ cấp vốn không giới hạn cho Credit Suisse.

Về phần mình, Credit Suisse cũng ra sức chứng minh là mình vẫn ổn. Hôm thứ Năm tuần trước, Credit Suisse nói với hãng tin Reuters rằng tỷ lệ đảm bảo thanh khoản bình quân - một thước đo chính về lượng tài sản tương đương tiền mặt của một ngân hàng - không hề suy suyển trong thời gian từ ngày 8-14/3, bất chấp cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thuỵ Sỹ Karin Keller-Sutter, một người còn làm nghề phiên dịch và giáo viên chỉ vài tháng trước khi được bổ nhiệm vào cương vị này, phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày Chủ nhật rằng nhà chức trách đã nhất trí hỗ trợ thêm cho Credit Suisse. Dù vậy, bà vẫn giữ bí mật về các cuộc thảo luận nhằm sáp nhập Credit Suisse vào UBS, vì lo ngại việc liên tiếp đưa ra những thông tin khẩn cấp sẽ khiến thị trường hoảng loạn.

CHÂU ÂU BỊ PHỚT LỜ, SỨC ÉP TỪ SAUDI ARABIA

Vị Bộ trưởng nói phía Thuỵ Sỹ đang liên lạc chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt. Cả hai nước này đều có các chi nhánh lớn của Credit Suisse với hàng nghìn nhân viên. Tuy nhiên, theo nguồn thạo tin, Thuỵ Sỹ ít liên lạc hơn nhiều với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức. Các chi nhánh của Credit Suisse ở Luxembourg, Tây Ban Nha và Đức cũng nhỏ hơn nhiều so với chi nhánh ở Mỹ và Anh.

Ngay từ đầu, các nhà chức trách châu Âu đặc biệt lo ngại việc Thuỵ Sỹ có thể đẩy thua lỗ về phía trái chủ của Credit Suisse - một hành động mà phía Thuỵ Sỹ đã thực hiện - vì tổn thất của một vụ giải cứu như vậy sẽ rơi xuống người đóng thuế.

“Họ tự hành động”, nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói, và miêu tả những điều khoản của vụ sáp nhập như một “điều gây ngạc nhiên lớn”.

Một người phát ngôn của FINMA nói rằng nhà chức trách Thuỵ Sỹ tập trung thảo luận với phía Anh và Mỹ vì quy mô của Credit Suisse tại hai nước này, nhưng cũng đã báo tin đầy đủ với giới chức châu Âu.

Dù vậy, không phải ai cũng bị bưng bít thông tin cho tới phút cuối. Các nhà đầu tư Saudi Arabia, với cổ phần khoảng 10% trong Credit Suisse, đã gây sức ép với Thuỵ Sỹ bằng cách cảnh báo rằng họ sẽ kiện nếu không thu hồi được một phần trong khoản đầu tư “xấu số” - nguồn thạo tin tiết lộ. “Tiền không phải tự nhiên mà có”, một vị quan chức Saudi Arabia tham gia đàm phán nói.

Với mong muốn giữ lại một chút đoàn kết trong lúc rã đám, ban lãnh đạo của Credit Suisse đứng về phía Saudi Arabia, chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho cổ đông - nguồn tin tiết lộ. Nhà chức trách Thuỵ Sỹ cũng muốn tránh cảnh cổ đông Credit Suisse mất trắng, điều lẽ ra đã xảy ra sau khi số phận của nhà băng này được định đoạt, bởi lẽ lựa chọn đó sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn đối với nhà chức trách Thuỵ Sỹ và khiến nước này “mất mặt” nghiêm trọng chỉ sau vài giờ kề vai sát cánh với Credit Suisse.

Cuối cùng, phía Thuỵ Sỹ nhất trí để cho trái chủ nắm giữ 16 tỷ Franc trái phiếu AT1 của Credit Suisse phải mất trắng và cổ đông được nhận 3 tỷ Franc - một quyết định đảo ngược nguyên tắc chủ chốt về vốn của ngân hàng mà nước này bấy lâu nay theo đuổi: đó là trái chủ được ưu tiên hơn cổ đông trong trường hợp một ngân hàng đổ vỡ.

Tỷ trọng tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng của một số quốc gia so với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Ở Thuỵ Sỹ, tỷ lệ này là hơn 500% - Nguồn: Reuters.
Tỷ trọng tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng của một số quốc gia so với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Ở Thuỵ Sỹ, tỷ lệ này là hơn 500% - Nguồn: Reuters.

Thoả thuận này cũng đặt dấu chấm hết bi thương cho Credit Suisse - định chế tài chính được sáng lập cách đây 167 năm bởi Afred Escher, người có công gây dựng hệ thống đường sắt của Thuỵ Sỹ. Khi công bố thoả thuận UBS mua lại Credit Suisse vào hôm Chủ nhật, một nhóm quan chức Thuỵ Sỹ và lãnh đạo hai ngân hàng không hề có biểu hiện gì của sự lúng túng.

“Đây không phải là một cuộc giải cứu”, Bộ trưởng Keller-Sutter nói với các nhà báo. Thống đốc Thomas Jordan của SNB thì nói động thái này là cần thiết để tránh một cú sốc lớn hơn.

“Trong giải pháp này, người đóng thuế chịu ít rủi ro hơn. Một vụ phá sản sẽ là tồi tệ nhất vì tổn thất đối với nền kinh tế Thuỵ Sỹ sẽ là rất lớn” bà Keller-Sutter nói.

Dù vậy, thị trường tài chính toàn cầu vẫn rúng động vì chuỗi sự kiện này, trước khi có thể hồi phục trong hai phiên đầu tuần.

“Khi một ngân hàng chuyên phục vụ giới tỷ phú, tiền gửi có thể bay rất nhanh. Ngân hàng đó có thể chết chỉ trong vòng 3 ngày”, một người liên quan nói.