Một doanh nghiệp BĐS lãi gấp đôi sau soát xét nhờ thoái vốn công ty con

19/09/2022

CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HoSE: KPF), tiền thân là trước đây là CTCP Tư vấn Dự án Quốc tế KPF được thành lập vào năm 2009, có trụ sở tại số 20-22-24 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dự án đầu tư, cung ứng vật liệu xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh bất động sản. Công ty này đã niêm yết  cổ phiếu của mình Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) từ năm 2016. 

Đơn vị này đang là chủ đầu tư của nhiều dự án như Cam Ranh Bay hotel & resorts tại Khánh Hòa rộng 130.826m2; tòa nhà văn phòng TTC rộng 257,6 m2 tại quận 1 TP HCM; khu đô thị phức hợp The Harbour City tại thành phố Nha Trang rộng 4,35 ha... Tuy nhiên, doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu trong nửa đầu năm nay.

-8561-1663266041.png

Đơn vị: tỷ đồng. 

Trước khi công bố BCTC soát xét, KPF đã thông báo thay đổi mô hình hoạt động và loại báo cáo tài chính. Cụ thể, Công ty thay đổi mô hình hoạt động từ có công ty con thành đơn vị không có công ty con và kế toán trực thuộc, chuyển loại hình báo cáo tài chính từ hợp nhất thành báo cáo tài chính riêng của công ty. 

Vì vậy, KPF đã công bố BCTC bán niên soát mà không ghi nhận doanh thu, giá vốn hàng bán cũng như lợi nhuận gộp. Trong khi đó, trong báo cáo tự lập đơn vị này vẫn ghi nhận doanh thu thuần 8,1 tỷ đồng; giá vốn hàng bán là 1,8 tỷ đồng. Nguồn thu chính của công ty trong 6 tháng đầu năm là doanh thu tài chính khi đạt 55,5 tỷ đồng, gấp 2,2 lần báo cáo tự lập. 

Theo thuyết minh, doanh thu tài chính chủ yếu là lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm hơn 2,4 tỷ đồng và cổ tức được chia từ TTC hơn 26,6 tỷ đồng, cộng thêm hơn 9 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng 15 triệu cổ phần từ CTCP TTC Deluxe Sài Gòn. Hồi tháng 6 vừa qua, KPF thông báo đã chuyển nhượng 15 triệu cổ phần của công ty con TTC Deluxe Sài Gòn với giá 10.500 đồng – 11.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền thu về rơi vào khoảng 157,5 tỷ đồng - 165 tỷ đồng. Sau giao dịch, KPF chỉ còn sở hữu 48% vốn của TTC Deluxe Sài Gòn. 

Kết quả, đơn vị này ghi nhận khoản lãi sau thuế là 47 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với báo cáo tự lập và tăng 5% so với năm 2021. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên đơn vị này ghi nhận khoản thu tài chính đột biến giúp lợi nhuận gia tăng. Năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 54 tỷ đồng, tăng 25%. Doanh thu tài chính đạt gần 47 tỷ đồng, gấp 22 lần cùng kỳ. Công ty còn ghi nhận 13 tỷ đồng lãi mua rẻ công ty TTC Deluxe Sài Gòn. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế đạt gần 76 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của đơn vị này kể từ khi niêm yết trên HoSE. 

-7578-1663266041.png

Tại thời điểm 30/6, tổng tải sản của KPF đạt 777,6 tỷ đồng, tăng 6,6% so với số đầu năm. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền chỉ còn 49 triệu đồng, giảm 99% so với số đầu năm. Tuy nhiên cuối tháng 6, KPF phát sinh thêm khoản đầu tư ngắn hạn 167,4 tỷ đồng, trong khi đầu năm không không có. Khoản mục này là tiền công ty mua trái phiếu của CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn và trái phiếu của công ty TNHH Phúc Hậu. Các khoản phải thu ngắn hạn là là 399,4 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn là 210 tỷ đồng, là số tiền đầu tư vào CTCP TTC Deluxe Sài Gòn và công ty Can Lâm. 

Công ty cũng không ghi nhận khoản mục người mua trả tiền trước. Vốn chủ sở hữu hiện ở mức 767 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 608 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh của công ty hiện là âm 157,7 tỷ đồng. 

Liên tục tăng vốn từ đầu năm 2021

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, không chỉ ghi nhận những khoản lợi nhuận từ việc thoái vốn hay mua rẻ, vốn điều lệ của công ty cũng đã tăng mạnh. Năm 2016, số lượng cổ phiếu KPF bắt đầu niêm yết trên HoSE là 15,6 triệu đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ là 156 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021, KPF chỉ phát hành thêm 2,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 178 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính riêng trong năm 2021 đơn vị này đã phát hành thêm tổng cộng 43 triệu cổ phiếu tăng nhằm tăng vốn điều lệ lên 608 tỷ đồng như hiện nay.

Cụ thể, năm ngoái KPF đã chào bán 36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp theo tỷ lệ 1:2; phát hành 1,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2019 tỷ lệ 5% và 2,89 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2020 tỷ lệ 5%. Như vậy, vốn điều lệ của công ty đã gấp 3,4 lần chỉ sau một năm. 

Đến tháng 6 năm nay, HĐQT KPF tiếp tục thông qua phương án phát hành riêng lẻ 47,3 triệu cổ phiếu với giá 13.000 đồng/cổ phiếu để huy động vốn, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.·Tổng số tiền huy động 614,5 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng 369,5 tỷ đồng đầu tư mua 199 căn hộ du lịch thuộc Dự án Silk Tower của công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng và 245 tỷ đồng mua cổ phần của CTCP Tri Việt Hội An từ các cổ đông hiện hữu. Nếu hoàn tất kế hoạch này, vốn góp chủ sở hữu đơn vị này đã gấp gần 6 lần so với với đầu năm 2021. 

Theo phương án mà KPF đã công bố, có 3 nhà đầu tư đã đăng ký mua toàn bộ số cổ phần riêng lẻ mà đơn vị này phát hành. Trong đó, CTCP VN Stock dự kiến mua 22,5 triệu đơn vị, chiếm 20,8% vốn điều lệ sau phát hành; CTCP VN Value dự kiến mua 23,6 triệu cổ phiếu, chiếm 21,86% vốn điều lệ sau phát hành và ông Lin Yi Hoang mua 1,13 triệu cổ phiếu, chiếm 1,05% vốn điều lệ sau phát hành. Như vậy, 3 nhà đầu tư này sẽ chiếm 43,7% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Theo tìm hiểu, VN Stock và VN Value là những công ty có sự liên quan đến nhóm cổ đông Cental Capital  - đơn vị hiện đang nắm giữ 3% vốn điều lệ KPF. Cụ thể, Tổng giám đốc Central Capital là bà Trần Thị Dịu Hòa đã từng giữ chức Tổng giám đốc VN Value và cũng từng là thành viên HĐQT của KPF. Còn Tổng giám đốc VN Stock là bà Dương Thị Thùy Linh có thời gian giữ nhiều vị trí trong các công ty liên quan tới Central Capital. 

Ngoài ra, bà Trần Thị Dịu Hòa đang là đại diện pháp luật của Tri Việt Hội An - đơn vị sẽ được KPF chi 245 tỷ đồng để mua cổ phần trong thời gian tới. Còn công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng là công ty thuộc về bà Thái Thị Thành Yến, cổ đông lớn đang nắm giữ 5,93% vốn của KPF. Bà Yến cũng là  nhân sự cấp cao của Central Capital. Như vậy nhóm cổ đông Central Capital bằng nhiều cách đang gom dần cổ phiếu của KPF và tác động lên nhiều mặt của đơn vị này. 

Cổ phiếu biến động mạnh trong thời gian gần đây

Trong suốt chiều dài giao dịch trên HoSE, cổ phiếu KPF thường xuyên có những lần biến động giá mạnh trong một thời gian ngắn. Kể từ khi niêm yết vào tháng 3/2016, cổ phiếu KPF thường giao dịch ở dưới mệnh giá cho đến cuối năm 2017. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/11/2017, cổ phiếu này chỉ có giá 5.690 đồng/cp (mức giá trước khi chia tách trong những đợt tăng vốn sau này), với thanh khoản chỉ vài nghìn cổ phiếu được giao dịch. Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 2 tháng, với hàng chục phiên tăng trần thị giá KPF đã gấp gấp 7,5 lần lên mức 42.500 đồng/cp vào phiên 10/1/2018 với thanh khoản tăng vọt lên vài trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh. Tuy nhiên, ngày sau đó cổ phiếu này cũng hạ nhiệt dần dần về vùng giá 14.000-16.000 đồng. 

Đến năm 2021 việc này lại tiếp tục diễn ra nhưng với mức tăng không lớn như năm 2017. Năm nay, việc cổ phiếu KPF tăng đột ngột rồi giảm đột ngột lại tiếp tục xảy ra. Từ phiên giao dịch ngày 11/8, mã này đã có 13 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 7 phiên tăng trần từ vùng giá 10.800 đồng/cp lên 22.600 đồng/cp, với mức tăng là 109%. Tuy nhiên ngay sau đó KPF đã có 5 phiên giảm sàn liên tục. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/9, cổ phiếu KPF tăng trần và đạt mức 15.200 đồng/cp. 

-6762-1663266041.png

Vì giảm sàn 5 phiên liên tiếp, đơn vị giải trình với HoSE là do cung cầu của thị trường dựa theo quyết định của nhà đầu tư, nằm ngoài kiểm soát của công ty. Hiện tại, công ty cũng chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu KPF khiến giá cổ phiếu tăng, giảm liên tục trong thời gian vừa qua.

Cũng theo KPF, trong trường hợp có thông tin, sự kiện nào làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu KPF trong thời gian qua, đề nghị HoSE thông tin đến doanh nghiệp để có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính, làm rõ sự kiện, thông tin đó.

Theo NDH