Một công ty chứng khoán giao dịch trái phiếu gấp 22 lần tổng tài sản, lãi đột biến trong tháng 7 và 8

14/09/2021

Lũy kế 8 tháng, lợi nhuận gấp 21 lần kế hoạch năm nhờ lãi trái phiếu

Theo báo cáo tài chính tháng 7, Chứng khoán SmartInvest (UPCoM: AAS) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng đột biến về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu hoạt động đạt gần 69 tỷ đồng, gấp 14 lần cùng kỳ; chủ yếu nhờ cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) gần 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ hơn 369 triệu đồng. Lãi trước thuế theo đó đạt hơn 30,3 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ gần 15 tỷ vào tháng 7/2020. Trong khi đó, hoạt động môi giới chứng khoán gần như doanh thu đủ bù đắp chi phí.

Với đóng góp từ tháng 7, SmartInvest báo lợi nhuận trước thuế hơn 37 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đóng góp chủ yếu từ kinh doanh FVTPL.

Đơn vị cũng vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 với doanh thu gần 82 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục hơn 63 tỷ đồng, nhưng không công bố số liệu từng khoản mục cụ thể. Tính từ đầu năm, công ty đạt 467 tỷ doanh thu và hơn 100 tỷ lãi trước thuế, lần lượt hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và gấp 21 lần mục tiêu lợi nhuận được thông qua tại ĐHCĐ thường niên. 

aas-png-1264-1630905122-113-1453-1631274
 

Mới đây, SmartInvest công bố điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 200 tỷ đồng, gấp 42 lần chỉ tiêu trước đó là hơn 4,8 tỷ đồng. Phương án này dự kiến trình tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường tổ chức vào sáng ngày 27/9. So với kế hoạch mới này, công ty chứng khoán đã thực hiện được 50% mục tiêu lợi nhuận sau 8 tháng đầu năm.  

Như vậy, doanh nghiệp báo lãi kỷ lục trong hai tháng liên tiếp ngay sau đợt chào bán riêng lẻ 49 triệu cổ phần để tăng vốn gấp hơn 2,5 lần từ 310 tỷ lên 800 tỷ đồng. SmartInvest chia sẻ với báo Đầu tư Chứng khoán rằng lợi nhuận từ tháng 7 đến cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh sau khi công ty hoàn thành tăng vốn điều lệ, nâng cao nguồn lực tài chính giúp hoạt động môi giới trái phiếu hiệu quả hơn.

Trên thị trường, đóng cửa phiên 13/9, cổ phiếu AAS giảm 1,7% xuống 17.300 đồng/cp, chấm dứt chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp. Thị giá hiện tại của mã chứng khoán này gấp đôi so với cuối năm ngoái.

aaschart-png26-7500-1631274308.png

Nguồn: Tradingview

Giá trị trái phiếu giao dịch 7 tháng đầu năm hơn 27.000 tỷ đồng 

Chứng khoán SmartInvest, tiền thân là Chứng khoán Gia Anh, thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 22 tỷ đồng. Năm 2016, đơn vị tăng vốn lên 310 tỷ đồng và tháng 7 vừa qua tăng lên 800 tỷ đồng. 

Tới cuối tháng 7, quy mô tài sản gấp đôi đầu năm, đạt gần 1.226 tỷ đồng, trong đó 99% là tài sản ngắn hạn. Ngoài danh mục FVTPL gồm các trái phiếu chưa niêm yết có giá trị hơn 350 tỷ đồng, công ty chứng khoán còn khoản tiền và tương đương tiền hơn 320 tỷ đồng, 98% số đó được gửi tại các ngân hàng như BIDV, VPBank, SHB... Ngoài ra, khoản đầu tư nắm giữ đến đáo hạn (HTM) 285 tỷ đồng cũng là hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại Agribank, SHB và BIDV.

Sau đợt tăng vốn thêm 490 tỷ đồng vừa qua, công ty sẽ đẩy mạnh mảng môi giới khách hàng cá nhân, tăng quy mô giao dịch cho nhà đầu tư trái phiếu, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh, theo chia sẻ của AAS với báo Đầu tư Chứng khoán.

Lợi nhuận của các công ty chứng khoán trên thị trường chủ yếu đến từ hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh cổ phiếu, ngoại trừ TCBS vốn tập trung vào mảng trái phiếu doanh nghiệp. SmartInvest cũng là trường hợp hiếm hoi kiếm lợi chủ yếu từ mua bán chênh lệch giá trái phiếu trên thị trường; hưởng lợi nhuận từ trái tức; cùng hoạt động ngân hàng đầu tư, cụ thể là trái phiếu. Từ năm 2019, đơn vị đã mở rộng thêm hoạt động tự doanh trái phiếu khiến lãi FVTPL gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu mỗi năm, trong khi doanh thu nghiệp vụ môi giới (chủ yếu trái phiếu Chính phủ) giảm dần.

cocau-png-7306-1631187140.png
 

Tại thời điểm 31/7, danh mục FVTPL không có cổ phiếu, chỉ có trái phiếu chưa niêm yết với giá trị gần 353 tỷ đồng, gấp 15 lần tháng trước đó. Nhiều khả năng, công ty dùng 329 tỷ đồng từ số tiền huy động trong đợt chào bán riêng lẻ để mua thêm trái phiếu. Thời gian tới, AAS dự kiến tiếp tục đầu tư tối đa 160 tỷ trái phiếu CTCP Thời trang và May mặc Demoda và 80 tỷ trái phiếu CTCP Du lịch sinh thái Kim Lan.

Với lượng trái phiếu nắm giữ như trên, khoản dự thu lãi trái phiếu (trái tức) từ công ty Mặt trời Sông Hàn (thành viên của Sungroup), Kinh Bắc (HoSE: KBC), VinCommerce, Thời trang Clothesrack… đạt gần 67,5 tỷ đồng tại cuối tháng 7, tăng 13% so với đầu năm. Trái phiếu AAS sở hữu có lãi suất khoảng 9-11%/năm, trong đó trái phiếu VinCommerce có kỳ tính lãi từ ngày 15 tháng này đến 30 tháng sau.

Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu giao dịch tại công ty chứng khoán trong tháng 7 là hơn 5,5 triệu đơn vị (gần 4.397 tỷ đồng), tương đương cả quý I. Lũy kế 7 tháng, doanh nghiệp giao dịch gần 26,5 triệu trái phiếu với giá trị lên đến 27.272 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 22 lần tổng tài sản.

Với lượng giao dịch 7 tháng như trên, AAS chỉ đứng sau một số tên tuổi lớn trong ngành như SSI, VNDirect hay TCBS. Tuy nhiên, SSI, VNDirect hay TCBS có các sản phẩm như S-Bond, Dbond, iBond… giúp các nhà đầu tư giao dịch trực tuyến các trái phiếu doanh nghiệp mà công ty chứng khoán chào bán. Khách hàng có thể bán lại cho công ty chứng khoán bất kỳ thời điểm nào. Điều này dẫn đến lượng lớn trái phiếu giao dịch trong kỳ của các tổ chức này. TCBS thậm chí còn đứng đầu thị phần môi giới trái phiếu trên HoSE.

AAS không có nền tảng cung cấp dịch vụ trading trái phiếu niêm yết như các công ty trên. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp và quản lý trái phiếu đã phát hành (bao gồm việc mua lại). Ngoài ra, công ty còn triển khai dịch vụ mua bán lẻ trái phiếu Chính phủ, khách hàng có thể thực hiện nghiệp vụ mua bán lại (repo), cầm cố tại công ty chứng khoán.

traiphieuaaas7-png45-1666-1631532061.png

(*) Số liệu của AAS là 7 tháng.

Theo NDH