Hưởng lợi từ giá bán và nhu cầu hồi phục, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ước lãi lớn quý IV

06/01/2022

Giá xăng dầu neo ở mức cao

Gần như đi ngang trong quý III, giá xăng dầu các loại từ đầu tháng 9 bắt đầu tăng mạnh và neo ở mức cao trong suốt quý IV. Giá xăng RON 95-IV vùng 1 có thời điểm tăng cao tiệm cận mức kỷ lục thiết lập 2014 lên 25.090 đồng/lít, sau đó điều chỉnh giảm về 23.790 đồng/lít, tăng 12% so với cuối tháng 8 và tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, giá dầu diesel và dầu hỏa cũng ghi nhận tăng lần lượt 46% và 53% so với cùng kỳ năm trước. 

gia-xang-dau-2021-1877-1641368882.png

Đơn vị: đồng/lít

Theo báo cáo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới tăng cao vào đầu tháng 11 do nhu cầu tăng khi các nước chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch bệnh Covid-19 theo hướng sống chung với dịch bệnh. Đồng thời, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại một số khu vực và việc Mỹ phê duyệt gói đầu tư hạ tầng hơn 1.000 tỷ USD, Ả Rập Xê Út tăng lượng bán dầu thô cho khu vực châu Á gây áp lực lên giá xăng dầu thành phẩm. Sau đó, giá xăng dầu cuối tháng 11 và đầu tháng 12 hạ nhiệt do việc xuất hiện biến chủng Covid-19 mới Omicron gây lo ngại cho phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của biến chủng Omicron được dự báo không quá lớn như dự báo ban đầu và Cơ quan thông tin năng lượng quốc tế (EAI) báo cáo tồn kho dầu thế giới giảm, OPEC+ cắt giảm sản lượng nên giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng tăng trở lại.

Ở trong nước, dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Song, theo chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn được duy trì, ngày càng có xu hướng tăng vào dịp cuối năm và Tết dương lịch. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu xăng dầu tăng cao bất chấp giá tăng.

BSR và PV Oil lãi lỷ lục

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xăng dầu ghi nhận sản lượng tiêu thụ và kết quả kinh doanh khả quan quý IV.

Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cho biết dịch bệnh diễn biến phức tạp quý III đã khiến nhu cầu tiêu thụ tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, nhà máy lọc dầu Dung Quất buộc phải giảm công suất về ngưỡng tối thiểu để vận hành nhằm tránh tồn kho tăng cao. Song, đầu quý IV, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cùng với Nghị quyết số 128 của Chính phủ thích ứng với Covid-19 trong tình hình mới, sức tiêu thụ của thị trường tăng lên đáng kể. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, BSR đã tăng công suất nhà máy, có thời điểm nhà máy Dung Quất hoạt động ở công suất 108% - ngang bằng công suất trước khi các đợt dịch xảy ra. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong quý IV tăng. Tính chung cả năm, BSR đạt và vượt kế hoạch sản lượng đề ra là 6.497.587 tấn.

Về kết quả kinh doanh, quý IV, Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 1.959 tỷ đồng, lần lượt gấp đôi và tăng 58% so với quý IV/2020. Lũy kế cả năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 100.694 tỷ đồng, tăng 74% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 đạt 6.026 tỷ đồng, cao nhất kể từ sau cổ phần hóa (2018) và cải thiện nhiều so với mức lỗ 2.812 tỷ đồng của năm 2020.

bsr-2021_164136904494.png

Đơn vị: tỷ đồng

Tương tự, PV Oil (UPCoM: OIL) ước doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 55.000 tỷ đồng, thực hiện 99% kế hoạch năm và tăng 9% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch năm và ghi nhận mức kỷ lục. Tính riêng quý IV, doanh thu đạt 17.191 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 269 tỷ đồng, tăng 89% và 49% so với cùng kỳ năm trước.

pv-oil-2021.png

Đơn vị: tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021, ông Cao Hoài Dương – Chủ tịch HĐQT nêu ra định hướng phát triển trong năm 2022 là tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển thị trường, xóa “vùng trắng” ở những địa bàn chưa có thị phần của PV Oil, tiếp tục thực hiện tốt công tác tái cấu trúc các đơn vị thành viên.

SSI Research dự báo kết quả kinh doanh Petrolimex (HoSE: PLX) tăng mạnh trong quý IV nhờ nhu cầu thị trường hồi phục khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ và giá xăng dầu tăng hỗ trợ biên lợi nhuận. Petrolimex có thể tận dụng được hàng tồn kho giá rẻ. Tính đến cuối quý III, giá trị hàng tồn kho của tập đoàn đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.

Theo NDH