Hoàng Anh Gia Lai muốn dùng gần 3.300 tỷ đồng thặng dư xóa lỗ lũy kế

26/08/2021

Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với nội dung đáng chú ý là dùng thặng dư xóa lỗ lũy kế.

Cụ thể, HĐQT trình việc dùng thặng dư vốn cổ phần tích lũy từ 2006 đến nay qua các đợi tăng vốn điều lệ gần 3.263,9 tỷ đồng để giảm lỗ lũy kế.

Tại thời điểm 30/6, doanh nghiệp có khoản lỗ lũy kế 7.549 tỷ đồng. Như vậy, sau khi dùng thặng dư xóa lỗ thì doanh nghiệp giảm lỗ còn 4.285 tỷ đồng, bằng 46% vốn điều lệ.

hagl-ava-1513-1629969193.png

HAGL dùng toàn bộ thặng dư tích lũy từ 2006 đến nay để xóa lỗ lũy kế.

Nửa đầu năm nay, với việc không còn hợp nhất HAGL Agrico (HoSE: HNG), doanh nghiệp của bầu Đức báo cáo doanh thu giảm 45% xuống 823 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 27,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 1.156 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng nhờ không còn HAGL Agrico mà tập đoàn giảm hơn 9.824 tỷ đồng nợ vay về 8.278 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn còn 1.484 tỷ và vay dài hạn còn 6.795 tỷ đồng. Khoản nợ lớn nhất của HAGL là trái phiếu do BIDV và Công ty chứng khoán BIDV thu xếp trị giá 5.876 tỷ đồng, đáo hạn cuối năm 2026.

Trong chiến lược phát triển, ngành cây ăn trái và chăn nuôi tiếp tục là 2 mũi nhọn. Lãnh đạo doanh nghiệp thông tin ngành chăn nuôi dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm. 

Về ngành cây ăn trái, tập đoàn sẽ đầu tư duy trì khoảng 10.000 ha trồng cây các loại gồm chuối và các loại cây ăn trái khác. Riêng chuối, HAGL đã cơ bản đầu tư trồng hoàn thiện 5.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia tính đến hiện tại. Dự kiến năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/ha.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng hướng tới một số dự án khác như dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; dự án nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện) và dự án nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén,... tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Các dự án này có tổng đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Theo NDH