Phiên giao dịch ngày 7/1, dòng tiền vẫn có xu hướng chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đặc biệt sàn UPCoM ghi nhận đến 113 cổ phiếu tăng trần, trong đó có rất nhiều những cổ phiếu thị giá thấp dưới 10.000 đồng/cp như VAT của VT Vạn Xuân (UPCoM: VAT), FDG của Doximexco (UPCoM: FDG), G20 của Đầu tư dệt may Vĩnh Phúc (UPCoM: G20), TS4 của Thủy sản số 4 (UPCoM: TS4).
![]() |
Bảng giá SSI. |
Tại sàn HoSE và HNX, dù số mã tăng trần không quá đột biến nhưng dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong bối cảnh nhóm vốn hóa lớn biến động phân hóa và không có đột biến. Riêng trong phiên 7/1, các mã như DIG của DIC Corp (HoSE: DIG), CEO của Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO), LDG của Đầu tư LDG (HoSE: LDG)... vẫn đồng loạt tăng mạnh.
![]() |
Biến động VN-Index và VN30-Index. Nguồn: TradingView. |
Do việc dòng tiền "né tránh" nhóm vốn hóa lớn nên VN30-Index hiện chỉ còn hơn VN-Index chưa đến 4 điểm. Trước đó, VN30-Index bắt đầu vượt VN-Index đầu tháng 2/2021 và có thời điểm chênh lệch hơn 100 điểm nhờ sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên khoảng cách giữa hai chỉ số này dần bị thu hẹp lại khi dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ từ nửa cuối năm 2021 trong khi rất nhiều nhóm bluechip bị "lãng quên".
Rất nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về sự tăng "nóng" của dòng tiền đầu cơ nhưng dường như các cảnh báo này không có ý nghĩa gì ở thời gian qua. Nhiều trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật hay thậm chí thua lỗ vẫn tăng bằng lần.
Năm 2021, trên 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM có tổng cộng 483 cổ phiếu tăng giá trên 100%, cao hơn nhiều so với con số 158 mã ở năm 2020. Trong đó, các cái tên như ATA của NTACO (UPCoM: ATA), PTO của Xây dựng Công trình Bưu điện (UPCoM: PTO), TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) tăng đến hàng chục lần.