Thị trường chứng khoán ngày càng sôi động tạo điều kiện thuận lợi cho hàng loạt doanh nghiệp triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn, qua đó sản sinh ra nhiều đơn vị vốn hóa tỷ USD. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vốn điều lệ “bé hạt tiêu” cũng triển khai kế hoạch tăng vốn gấp nhiều lần, kéo theo việc giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng chóng mặt bất chấp kết quả kinh doanh có thể không khả quan.
Becamex ACC chốt quyền chào bán cổ phiếu, thị giá trần nhiều phiên liên tiếp
Ngày 7/1 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC (Becamex ACC, HoSE: ACC).
Công ty sẽ phát hành 75 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:2,5. Qua đó, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 300 tỷ đồng lên 1.050 tỷ đồng, gấp 3,3 lần. Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cp, số tiền huy động được 750 tỷ đồng dùng để trả nợ ngân hàng và thực hiện dự án nhà ở tại thị xã Bến Cát tỉnh Bình Dương theo hợp đồng hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex, HoSE: BCM).
Sau khi thông tin chốt quyền được công bố ngày 27/12/2021, cổ phiếu ACC có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp từ vùng giá 26.150 đồng/cp lên 39.050 đồng/cp. Tại ngày giao dịch không hưởng quyền mua, cổ phiếu ACC điều chỉnh giá về vùng 18.300 đồng/cp và tiếp tục tăng trần lên 19.550 đồng/cp. So với vùng giá đầu tháng 9, cổ phiếu ACC gấp 2,5 lần.
![]() |
Diễn biến cổ phiếu ACC trước ngày giao dịch không hưởng quyền. Nguồn: TradingView |
Becamex ACC kinh doanh chính trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất bê tông, sản phẩm từ bê tông. Trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp sẽ tăng cường hợp tác đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp tại tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành khác trên phạm vi cả nước, làm chủ đầu tư dự án nhà ở tại thị xã Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Doanh nghiệp báo cáo doanh thu 9 tháng đạt 225 tỷ đồng, giảm 29%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 26 tỷ đồng, giảm 24%. Kết quả kinh doanh của Becamex ACC đặc biệt xuống thấp trong quý III, doanh thu giảm từ 108 tỷ đồng xuống 29 tỷ đồng và lỗ ròng 672 triệu đồng.
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các vùng lân cận - là địa bàn doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm chính và các công trình thi công xây dựng. Việc này khiến các công trình bị tạm dừng thi công, công tác nghiệm thu quyết toán cũng phải dừng.
Viễn thông Viteco phát hành cổ phiếu riêng lẻ, thị giá tăng 73% trong 6 phiên
Vốn điều lệ nhỏ chỉ 20,6 tỷ đồng, Công nghệ Viễn thông Viteco (HNX: VIE) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án phát hành riêng lẻ 3 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 50,6 tỷ đồng, tức tăng 146%.
Với giá phát hành 10.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự kiến huy động 30 tỷ đồng cho mục tiêu xây dựng trụ sở văn phòng công ty và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.
Danh sách các nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần phát hành riêng lẻ của Viễn thông Viteco lần này có 1 doanh nghiệp trong ngành - CTCP Phát triển Dịch vụ viễn thông ITC và 4 cá nhân – là 4 lãnh đạo của Viễn thông Viteco.
Tương tự cổ phiếu ACC, cổ phiếu VIE cũng có chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp sau thông tin triển khai kế hoạch phát hành được công bố. Giá cổ phiếu tăng từ 7.800 đồng/cp lên 13.500 đồng/cp, tương đương mức tăng 73%. So với vùng giá giữa tháng 9, cổ phiếu này gấp 2,5 lần.
![]() |
Nguồn: TradingView |
Viễn thông Viteco hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử viễn thông. Lợi nhuận giảm dần từ mức 1,6 tỷ đồng năm 2017 về 62 triệu đồng năm 2020. 9 tháng năm nay ghi nhận lỗ 301 triệu đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2021 gần 7,3 tỷ đồng.
Đầu tư TDG Global tăng vốn gấp 4 để đầu tư BĐS và tài chính
Công ty Đầu tư TDG Global (HoSE: TDG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành 50,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán 300%. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 167,7 tỷ đồng lên 670,7 tỷ đồng, gấp 4 lần.
Giá chào bán 11.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự kiến huy động 553,4 tỷ đồng. Đầu tư TDG Global có kế hoạch góp vốn vào Công ty Nam Bá đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và dân cư Làng Chài Vũng Trâu Nằm (273,3 tỷ đồng), góp vốn vào Đầu tư Việt Nhật đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Việt – Nhật tại Lào Cai (97 tỷ đồng); đầu tư cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 tại Lạng Sơn (60 tỷ đồng); đầu tư tài chính (60 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động.
Như vậy, mặc dù lĩnh vực kinh doanh chính là khí hóa lỏng (LPG) với sản phẩm chính Gas Thái Dương nhưng đơn vị huy động vốn chủ yếu cho mục tiêu đầu tư bất động sản và tài chính. Kết quả kinh doanh của Đầu tư TDG Global có sự suy giảm trong 4 năm gần đây từ mức lợi nhuận 29 tỷ năm 2017 xuống 564 triệu đồng năm 2020.
9 tháng, doanh nghiệp kinh doanh gas ghi nhận doanh thu 873 tỷ đồng, tăng 72%; lãi sau thuế 328 triệu đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thực hiện vượt 17% kế hoạch doanh thu thuần nhưng mới đạt 15% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Sau thông tin triển khai kế hoạch tăng vốn, cổ phiếu TDG có 2 phiên tăng trần liên tiếp từ 11.600 đồng/cp lên 13.250 đồng/cp. So với vùng giá đầu tháng 9, cổ phiếu này tăng giá hơn 220%.
![]() |
Nguồn: TradingView |