Chiến lược 'Zero Covid' đổ vỡ, hàng không tính kế sống chung với dịch

14/09/2021

Những tưởng tiếp nối đà hồi phục mạnh mẽ vào tháng 4, khi 6 hãng bay nội địa khai thác 24.001 chuyến bay, với tốc độ tăng trưởng đáng mơ, lên đến 41% so với tháng trước và 562% so với cùng kỳ, nhưng làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến, dai dẳng và nguy hiểm khiến các hãng bay bị nhấn chìm trong suốt 4 tháng dài trượt dốc.

Sớm kích hoạt đường bay, nới lỏng di chuyển nội địa

Tháng 8 vừa qua, tất cả các hãng hàng không Việt chỉ thực hiện 1.536 chuyến bay tương ứng, tụt dốc 90,6% so với cùng kỳ, sụt giảm đến 93,6% so với tháng 4. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chỉ “thoi thóp” duy trì hoạt động bằng các chuyến bay chở y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế hay chuyên chở hàng hoá y tế. Tân binh Vietravel Airlines trắng chuyến, tương ứng giảm 100%.

Cả đường bay quốc tế và nội địa đều “đóng băng” hoàn toàn chưa biết đến thời điểm nào nhưng nợ ngắn hạn phải trả của ba ông lớn ngành hàng không vẫn tiếp tục sinh sôi, cán mốc 40.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines đã chính thức âm vốn chủ sở hữu.

Trước tình hình cấp bách trên, Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận và phê duyệt kế hoạch tổ chức 22 đường bay nội địa và phân các sân bay thành ba nhóm: xanh, vàng, đỏ, với đối tượng hành khách và quy định đi kèm, đảm bảo nghiêm ngặt nhiều tiêu chí.

Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam/Vietnam+.

Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam/VietnamPlus

Theo đó, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hành khách đủ điều kiện về phòng chống dịch. Qua đó, “duy trì hoạt động hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hãng, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Cục Hàng không kỳ vọng.

Tuy nhiên, kế hoạch mở lại đường bay nội địa dường như khá rối. Đánh giá về kế hoạch này, trao đổi với phóng viên VnEconomy, ông Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không thẳng thắn: “Tại sao lại phân vùng A, B, C, xanh, đỏ, vàng, bày ra cái này, cái kia rắc rối thì áp dụng làm sao”.

“Đơn giản nhất, hàng không đặt hành khách là trọng tâm với yêu cầu cao nhất, là không mang bệnh cho người cùng bay, không mang dịch đến điểm đến, đảm bảo những quy định của việc chống lây nhiễm”, ông Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không nhận định.

Hành khách đã tiêm đủ liều vaccine, có đủ thời gian để vaccine phát huy khả năng bảo vệ, đảm bảo 5K là được bay. Bên cạnh đó, cần thiết có xét nghiệm âm tính trong vòng 72h, đề phòng trừ những người đã tiêm vaccine nhưng mắc bệnh không có triệu chứng. Như vậy, là đủ điều kiện an toàn để bay nội địa. Kể cả đường bay quốc tế, cũng phải làm từ lâu.

Còn điểm xuất phát chỉ là thứ yếu. “Những nơi có dịch, cấm máy bay đến/đi rất bất cập. Kể cả có dịch, nhưng những người đủ điều kiện, tại sao không cho họ đi máy bay”, ông Tống đặt câu hỏi. Trái lại, với những người có nhu cầu bay, điều này cũng khuyến khích họ không trì hoãn, tiêm vaccine sớm hơn.

Vị chuyên gia này cho biết thêm ngay đầu năm 2021, nhiều nước trên thế giới đã tiêm vaccine xong, đã thực hiện chủ trương về “hộ chiếu vaccine” từ năm 2020. “Khi đó, sẽ tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của những thể đột biến nguy hiểm, các hãng hàng không có thể mở lại đường bay quốc tế sớm hơn, mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn. Việt Nam thực hiện chậm quá”, ông Tống bức xúc.

Trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Thẻ thông hành xanh” cho thị trường nội địa du lịch, hàng không mới đây, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chỉ rõ, khái niệm về hộ chiếu vaccine cần được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người, có thể là âm tính sau xét nghiệm PCR, tiêm đủ vaccine theo nhà sản xuất hoặc bệnh nhân đã khỏi Covid-19.

“Hiện nay, ở Việt Nam có cả ba đối tượng trên, nhưng cách ứng xử và thực hiện chưa có gì khác biệt. Ví dụ, phi công và tiếp viên đã tiêm một mũi vaccine, không may mắc virus SAR-CoV-2, đã khỏi bệnh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc họ có được phép quay trở lại đi làm không”, ông Cường nêu thực tế.

Với mục tiêu sớm tái hoạt động các hoạt động kinh doanh, đi lại trong nước, tiến tới xuất cảnh, nhập cảnh, qua đó phục hồi phát triển kinh tế sớm nhất trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19 lâu dài, các chuyên gia Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng vừa đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm “Thẻ thông hành xanh - Vietnam Green Travel Pass” thay cho tên gọi “hộ chiếu vaccine” vì thẻ này cần cho việc đi lại trong nước, chứ không phải chỉ xuất nhập cảnh.

Việt Nam đã có hơn 26 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có khoảng 21 triệu người được tiêm mũi một và hơn 5 triệu người tiêm mũi hai. Các chuyên gia cho rằng số người tiêm đủ hai mũi vaccine ngày càng nhiều, hộ chiếu vaccine đã trở thành xu thế toàn cầu, vì vậy Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Hàng không, du lịch "thấp thỏm" đợi ngày mở cửa

Mặc dù còn nhiều khó khăn chực chờ, gánh gồng chi phí “đắp chiếu” hàng giờ, nhưng các hãng luôn sẵn sàng tàu bay, nhân lực để nối lại đường bay nội địa, quốc tế khi được Chính phủ cho phép. Các hãng hàng không thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử, sẽ từng bước tiến tới mở cửa với khách du lịch và hàng không quốc tế.

Vietnam Airlines vừa thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh) ngày 2/9. Tới đây, Vietnam Airlines sẽ triển khai tiếp các chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul - Hàn Quốc ngày 12/9 và Hà Nội - London ngày 21/9, bên cạnh các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo các ngày thứ 5 hàng tuần. Vietnam Airlines kỳ vọng việc các chuyến bay thử nghiệm liên tiếp đạt kết quả tích cực là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, công nhận cơ chế hộ chiếu sức khỏe điện tử, đẩy nhanh lộ trình nối lại đường bay quốc tế.

Trước đó, Vietjet cũng đã tham gia thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass, để sớm có chìa khóa mở cửa biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại.

Đáng chú ý, cuối tuần qua, chuyến bay đầu tiên chở 297 hành khách Việt Nam có “hộ chiếu vaccine” khởi hành từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Các hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng chống Covid-19 và đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế bảy ngày của Bộ Y tế Việt Nam.

Nhen nhóm kế hoạch kích cầu nội địa ngay trong cuối năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Có lẽ, đây là tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, du lịch, hàng không, khách sạn tại khắp các địa phương trên cả nước, để sớm thoát khỏi vòng xoáy của đại dịch Covid-19.

Theo đó, ngành du lịch sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), từ đó chuẩn bị từng bước mở rộng sang các điểm đến khác trên toàn quốc như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Nguồn: VnEconomy

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Nguồn: VnEconomy

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Từ nay đến ngày 30/9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách và tỷ lệ tiêm vaccine ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ.

Sau đó, khi có hộ chiếu vaccine, từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế. Hộ chiếu vaccine cần phải có sự thống nhất, nghiên cứu thấu đáo và khi đưa việc ứng dụng phần mềm vào sử dụng, phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân, chống giả mạo”.

Theo NDH