Cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng trong tuần đầu năm 2022, NĐT tổ chức tập trung 'gom hàng'

09/01/2022

Thị trường chứng khoán biến động tích cực ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/1, VN-Index đứng ở mức 1.528,48 điểm, tương ứng tăng 2,02% so với tuần trước. HNX-Index cũng tăng 4,19% lên 493,84 điểm. UPCoM-Index tăng 2,59 điểm lên 115,6 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao và tăng so với tuần cuối năm 2021. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 38.724 tỷ đồng/phiên, tăng 27,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 36.109 tỷ đồng, tăng 28,7%.

Tương tự như tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch có phần tiêu cực. Tương tự, khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại trong khi tổ chức trong nước đóng vai trò nâng đỡ thị trường chung.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ FiinPro, các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng 506 tỷ đồng trên HoSE trong tuần đầu năm 2022, dù vậy, mức bán ròng này giảm 70% so với tuần trước. Nếu tính về khớp lệnh, giá trị bán ròng nâng lên thành 845 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

VHM bị cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất với 764 tỷ đồng. VNG và KBC đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 422 tỷ đồng và 358 tỷ đồng. Trong khi đó, CII được mua ròng mạnh nhất với 549 tỷ đồng. GEX và VNM đều được mua ròng trên 400 tỷ đồng.

Giao dịch của khối ngoại cũng biến động theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trở lại 573 tỷ đồng ở sàn HoSE. 

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Khối ngoại tuần qua bán ròng mạnh nhất mã MSN với hơn 395 tỷ đồng. CII và VNM đứng sau với giá trị bán ròng đều trên 300 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 595 tỷ đồng. GAS, KBC và CTG đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Trái ngược với hai dòng vốn trên, tổ chức trong nước giao dịch tích cực khi mua ròng 1.080 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước đó. Trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng trở lại 287 tỷ đồng (mua ròng 485 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Các tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng mạnh nhất mã VNG với 422 tỷ đồng. KBC đứng sau với giá trị mua ròng là 232 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã GEX với 404 tỷ đồng. HNG và HPG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 243 tỷ đồng và 153 tỷ đồng.

Đối với khối tự doanh, dòng vốn này mua ròng 792 tỷ đồng trên HoSE, giảm 13% so với tuần cuối năm 2021 (mua ròng 851 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

TCB được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 154 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng của khối tự doanh vẫn thuộc về một mã ngân hàng là VPB với giá trị 113 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG và DXG được mua ròng lần lượt 98 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, FPT bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 52 tỷ đồng. PHC và KDH bị bán ròng lần lượt 30 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Theo NDH