Ba cơ hội đầu tư nhìn từ tài sản "ngầm" của doanh nghiệp

16/06/2022
Ba cơ hội đầu tư nhìn từ tài sản

"Những nhóm doanh nghiệp có tài sản ngầm thường được ví như mỏ vàng nằm sâu trong lòng đất, tuy khó xác định được "vị trí" nhưng có thể mang đến lợi nhuận cao, bù lại rủi ro chi phí cơ hội cũng là thứ cần phải được cân nhắc", chuyên gia WiGroup nhận định.

Báo cáo tài chính được hiểu giống như một bộ sơ yếu lý lịch về doanh nghiệp giúp chúng ta nắm được những thông tin cơ bản nhất về việc tình hình kinh doanh, cơ cấu tài sản cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Có khi chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về tài sản, nguồn vốn hay dòng tiền cũng có thể tạo ra một sự bước ngoặt lớn đối với giá cổ phiếu. Do đó, có rất nhiều cách tiếp cận để nhìn ra cơ hội đầu tư trên báo cáo tài chính mà nhiều nhà đầu tư chưa biết. Để nhận diện những cơ hội này, đội ngũ phân tích WiGroup đưa ra ba yếu tố.

Thứ nhất, doanh nghiệp tích lũy hàng tồn kho lớn, giá rẻ. Cụ thể, hàng tồn kho là một khoản mục quan trọng trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và thương mại. Bởi vì khi một công ty muốn mở rộng hoạt động sản xuất của mình, chắc chắn họ phải nhập thêm nguyên vật liệu đầu vào để tạo ra thành phẩm. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp thương mại không thể nào tăng doanh số bán hàng khi không có một lượng hàng hóa sẵn có dồi dào.

Việc theo dõi danh mục hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư phát hiện những "dấu vết" liên quan đến sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó nhận diện được những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong chính những thay đổi ấy, khi ta thực hiện việc đánh giá lại giá trị hàng tồn kho có thể thực hiện.

Chuyên gia WiGroup đưa ra dẫn chứng cụ thể về chuyện tăng trưởng của TMT. Trong quý 2/2021, doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm và phụ tùng xe ô tô tải có dấu hiệu phục hồi sau dịch, doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc tích lũy tồn kho nguyên vật liệu với quy mô "khủng" chưa từng có (trị giá 462 tỷ đồng), để phục vụ cho sản xuất thành phẩm. Và chiến lược này đã phát huy hiệu quả trong những quý sau đó, góp phần giúp TMT có mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá trong năm 2021 (gấp 20 lần so với cùng kỳ).

Ba cơ hội đầu tư nhìn từ tài sản ngầm của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thứ hai, biến đổi liên quan đến tài sản dở dang, cụ thể là nhà máy mới đi vào hoạt động. Việc công suất nhà máy là câu chuyện muôn thuở liên quan đến động lực tăng trưởng của doanh nghiệp. Đã có không ít lần việc thực hiện tăng công suất nhà máy tạo ra sự lột xác hoàn toàn cho doanh nghiệp. Đưa ra dẫn chứng về DHC là một trường hợp tiêu biểu. Cụ thể, sau khi công ty này đưa vào vận hành nhà máy Giao Long 2 giúp nâng tổng công suất sản xuất lên 280.000 tấn/năm (gấp 4,5 lần so với công suất cũ). Điều đó ngay lập tức trở thành yếu tố dẫn dắt tăng trưởng cho công ty trong năm kế tiếp.

Ba cơ hội đầu tư nhìn từ tài sản ngầm của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Quan sát về doanh thu của DHC tăng dốc đứng sau khi doanh nghiệp đưa nhà máy vào vận hành. Giá trị doanh thu năm 2020 đạt 4.100 tỷ tăng gấp đôi so với cùng kỳ và đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì ở những quý sau đó.

Thứ ba, tài sản ngầm trong khoản mục đầu tư tài chính dài hạn. Theo lý giải của đội ngũ phân tích WiGroup, tài sản ngầm là những tài sản có giá trị không được thể hiện đầy đủ trên báo cáo tài chính do cách ghi nhận của nó trong bảng cân đối kế toán. Những khoản này thường tồn tại trong các khoản mục liên quan đến tài sản của các doanh nghiệp thuộc mảng bất động sản, khai thác khoáng sản hoặc doanh nghiệp holding. Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn là một khoản mục thường xuất hiện các tài sản ngầm của doanh nghiệp mà chúng ta có thể kiểm tra một cách tương đối dễ dàng, nếu các công ty được đầu tư được niêm yết rõ ràng.

Cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể, chuyên gia phân tích cho rằng TDM là một doanh nghiệp điển hình của việc sở hữu tài sản ngầm liên quan đến khoản mục đầu tư tài chính. Công ty này hiện đang sở hữu 37,42% cổ phần của BWE. Với giá trị vốn hóa của BWE hiện tại vào khoảng 9.600 tỷ đồng thì tổng giá trị số cổ phần của BWE mà TDM đang nắm giữ được định giá rơi vào khoảng 3.600 tỷ đồng (gấp 2,7 lần so với giá trị khoản tài sản đầu tư tài chính được ghi nhận), xấp xỉ giá trị vốn hóa của TDM.

"Những nhóm doanh nghiệp có tài sản ngầm thường được ví như mỏ vàng nằm sâu trong lòng đất, tuy khó xác định được "vị trí" nhưng có thể mang đến lợi nhuận cao, bù lại rủi ro chi phí cơ hội cũng là thứ cần phải được cân nhắc", chuyên gia WiGroup nhận định.

https://cafef.vn/ba-co-hoi-dau-tu-nhin-tu-tai-san-ngam-cua-doanh-nghiep-20220616145708458.chn
Theo CafeF