5 cổ phiếu chào sàn HoSE đầu năm 2022

30/12/2021

Những ngày cuối năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) liên tiếp cấp giấy chứng nhận niêm yết cho 1 quỹ đầu tư và 4 doanh nghiệp. Trong đó, quỹ ETF KIM Growth VN30 đã có ngày giao dịch đầu tiên trong khi các đơn vị khác chưa có.

hose-niem-yet.png

HoSE liên tiếp chấp thuận niêm yết 5 cổ phiếu vào những ngày cuối năm 2021.

Chứng chỉ quỹ quỹ ETF KIM Growth VN30 được giao dịch từ 7/1

Quỹ ETF KIM Growth VN30 (KIM VN30 ETF) được HoSE chấp thuận niêm yết từ 21/12, ngày giao dịch đầu tiên 7/1 với mã chứng khoán FUEKIV30. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên sẽ do Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam công bố vào ngày 6/1/2022. Tương tự các cổ phiếu được niêm yết trên HoSE, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên của chứng chỉ quỹ FUEKIV30 là +/- 20% so với giá tham chiếu.

KIM VN30 ETF là quỹ thuộc Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam. Vốn thực góp 71 tỷ đồng, tương đương 7,1 triệu chứng chỉ quỹ. Chỉ số tham chiếu của quỹ là VN30, bao gồm 30 cổ phiếu đại diện cho 30 công ty niêm yết trên HoSE có giá trị vốn hóa và thanh khoán lớn hàng đầu.

Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam thành lập từ tháng 10/2020. Công ty quản lý tài sản Korea Investment Management (Hàn Quốc) là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của KIM Việt Nam. Quy mô tài sản ủy thác của KIM Việt Nam đạt gần 23.000 tỷ đồng. 

EVF dừng giao dịch tại UPCoM từ 30/12

Cùng ngày 21/12, HoSE thông báo chấp thuận niêm yết cho 304,7 triệu cổ phiếu EVF của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF). Chưa có ngày giao dịch chính thức tại HoSE, song cổ phiếu EVF có phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM là 29/12 và hủy đăng ký giao dịch từ 30/12.

EVN Finance được thành lập năm 2008 với mục tiêu làm đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên. Cổ đông lớn nhất là Đầu tư và Tư vấn Thiên Triều Aria nắm 5%, tiếp theo là ABBank nắm 4,97%.

Hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận ròng trong khoảng 180 tỷ đồng đến 228 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ cổ tức đều đặn 6-7% mỗi năm. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 238 tỷ đồng, tăng 56% và thực hiện 93% kế hoạch năm.

EVNFinance đặt mục tiêu năm 2022 lợi nhuận tăng trưởng 15-20%, phụ thuộc vào các phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp dự báo năm 2022 Việt Nam và các nước dần kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Trong năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% của 2018 và 2019. Dự kiến trong quý I/2022, EVN Finance tiếp tục phát hành thêm gần 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 3.245 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2020, tỷ lệ 6,5%. Kế hoạch này sẽ được triển khai sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và UBCKNN chấp thuận.

Đèo Cả dự kiến có phiên giao dịch đầu tiên tại HoSE vào 20/1/2022

Vào ngày 23/12, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) đã nhận được quyết định chấp thuận niêm yết của HoSE sau 7 tháng nộp hồ sơ. Doanh nghiệp dự kiến ngay giao dịch đầu tiên là 20/1/2022. Giá tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là bình quân giá tham chiếu của 30 phiên giao dịch cuối cùng trước khi hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Cổ phiếu HHV có phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM vào 6/1/2022 và ngày hủy giao dịch 7/1/2022. Cổ phiếu HHV chốt phiên ngày 29/12 ở mức giá 26.700 đồng/cp, tăng 52% trong vòng 6 tháng qua.

Trong giai đoạn 2021-2025, Đèo Cả dự kiến tăng vốn điều lệ tăng từ 2.673 tỷ đồng năm 2021 lên 11.736 tỷ đồng năm 2025. Doanh nghiệp định hướng tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp dịch vụ khép kín với 4 hoạt động chính gồm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, thi công xây lắp, quản lý vận hành và khai thác công trình hạ tầng giao thông đường bộ, bất động sản và các dịch vụ gắn liền với đường cao tốc. Tổng mức đầu tư các dự án mà đơn vị đang đầu tư là hơn 50.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Đèo Cả có kế hoạch chào bán 267,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ sẽ gấp đôi lên 5.348 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động vốn hợp tác kinh doanh dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (53% số tiền thu được); đầu tư vào các dự án xây dựng hạ giao thông như tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng… (29%); đầu tư dự án bất động sản (10%) và bổ sung vốn lưu động.

9 tháng, Đèo Cả ghi nhận doanh thu 1.245 tỷ đồng, thực hiện 62% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 219 tỷ, thực hiện 77% kế hoạch năm. Trong cơ cấu doanh thu hiện nay của doanh nghiệp, hoạt động thu phí vẫn đóng góp lớn nhất, sau đó là xây lắp. Đơn vị dự kiến đến năm 2022 sẽ có thêm sự đóng góp của mảng bất động sản.

Viet Brand và Công trình Viettel đã được chấp thuận niêm yết

2 doanh nghiệp tiếp theo vừa được HoSE công bố quyết định chấp thuận niêm yết là Công ty cổ phần Đầu tư nhãn hiệu Việt (Viet Brand, UPCoM: ABR) và Công trình Viettel (UPCoM: CTR).

Công trình Viettel được thành lập 1995, là công ty thành viên quan trọng của Tập đoàn Viettel bên cạnh Viettel Global và Viettel Post. Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và cho thuê hạ tầng kỹ thuật, xây lắp mạng lưới viễn thông và dân dụng, vận hành khai thác mạng lưới viễn thông… Doanh nghiệp đưa 93 triệu cổ phiếu lên niêm yết HoSE.

Kết quả kinh doanh của Công trình Viettel tăng trưởng liên tục từ năm 2016 đến 2020, lợi nhuận tăng từ 132 tỷ lên 345 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2021 tiếp tục vượt trội khi mà 11 tháng, doanh thu đạt 6.780 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 406 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm và cao hơn 18% so với cả năm 2020.

ctr-ln.png

Đơn vị: tỷ đồng

Đơn vị thành viên của Viettel đưa cổ phiếu lên giao dịch UPCoM từ cuối năm 2017 và ghi nhận tăng giá gấp hơn 7 lần sau 4 năm.

Trong khi đó, Viet Brand khởi đầu là xí nghiệp chế biến gỗ nhưng hiện nay tập trung vào 3 mũi nhọn là truyền thông số hóa, đầu tư hệ thống kênh bán lẻ và đầu tư nhãn hiệu. Viet Brand đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM giữa 2018. Từ số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch chỉ 3 triệu đơn vị, đến nay đã tăng lên 20 triệu đơn vị. Cổ phiếu ABR thường xuyên không có giao dịch và giá cổ phiếu đi ngang ở vùng 22.000 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh của đơn vị đặc biệt nổi trội vào năm 2020 với doanh thu gấp 3,6 lần lên 98 tỷ đồng, lãi sau thuế gấp 3 lần lên 25 tỷ đồng. Viet Brand lý giải kết quả này đến từ sự điều chỉnh căn bản trong chiến lược kinh doanh. Cuối năm 2019, công ty đã chuyển đổi sang hình thức công ty đầu tư và thu nguồn lợi nhuận mới từ việc mua lại các công ty. Trong năm 2019, Viet Brand tiến hành thoái vốn khỏi Công ty TNHH Công nghiệp May và Giày da Phước Bình và đầ tư vào Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ cuộc sống mới – hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ internet, viễn thông.

Qua 9 tháng năm nay, đơn vị báo cáo doanh thu giảm 13% xuống 68 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 27% xuống 13,2 tỷ đồng.

viet-brand_164077166632.png

Đơn vị: tỷ đồng

Theo NDH