Điều hành giá ngăn nỗi lo “phập phồng” tăng giá khi thời điểm tăng lương cận kề

07/01/2024

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Phạm Văn Bình, đại diện Cục Quản lý giá, thông tin về công tác điều hành và quản lý giá trong thời gian tới, nhất là thời điểm tăng lương cơ sở ngày 1/7 cận kề.

CHÚ TÂM 3 NHÓM NỘI DUNG KHI ĐIỀU HÀNH GIÁ

Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định hoạt động quản lý giá mang tính chất liên tục và thường xuyên. Hiện nay, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là trưởng ban và Bộ Tài chính là cơ quan thường trực thường xuyên nghiên cứu, hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá, thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức những cuộc họp để đưa ra kịch bản điều hành giá từ đầu năm đến nay. Bộ Tài chính cũng chủ trì, báo cáo Ban Chỉ đạo chủ động những tình huống, kế hoạch sẽ triển khai trong quá trình điều hành giá thời gian tới, đặc biệt tính toán kỹ lưỡng về việc tăng lương cũng như lộ trình tăng nhiều yếu tố khác.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo để Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023; Văn phòng Chính phủ cũng ban hành Thông báo 118/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý 1/2023...

Thông tin về định hướng điều hành giá thời gian tới, ông Phạm Văn Bình nêu rõ tập trung vào ba nhóm nội dung quan trọng.

Một là, bám sát diễn biến thị trường, giá cả, đảm bảo kiểm soát theo đúng mục tiêu lạm phát Quốc hội đề ra và đặc biệt chú ý đến những mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn như xăng dầu. Đồng thời, nắm bắt tình hình cung cầu và những công việc khác trong quá trình thực hiện bình ổn giá.

"Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ, bởi vì đây cũng một công cụ trong điều hành giả của Nhà nước", ông Bình nhấn mạnh.

Hai là, theo dõi chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá, cũng như việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý.

Ba là, chú trọng trong công tác thông tin truyền thông, công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý giá, từ đó, cơ bản đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh vai trò của truyền thông để ngăn lạm phát tâm lý.
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh vai trò của truyền thông để ngăn lạm phát tâm lý.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh các giải pháp nêu trên sẽ kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới mục tiêu hoặc thậm chí, kiểm soát tốt hơn mục tiêu của Quốc hội đề ra trong năm 2023 xuyên suốt trong cả năm, trong đó, rõ ràng, Bộ Tài chính tính tới chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng hết sức lưu ý và cần làm tốt một giải pháp, đó là truyền thông, nhằm giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm mùng 1/7 cận kề.

CPI DẦN HẠ NHIỆT 

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ tăng 0,01% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các nhân tố tăng giá như: giá lương thực, thực phẩm, giá điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Cùng mức tăng vỏn vẹn 0,01% CPI tháng 5 và giảm 0,34% tháng trước đó nên tính bình quân, CPI 5 tháng còn tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu tâm, so với cùng kỳ năm trước, mức tăng CPI các tháng cũng trong xu hướng hạ nhiệt dần với nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%; tháng 2 tăng 4,31%; tháng 3 tăng 3,35%; tháng 4 tăng 2,81% và đến tháng 5, mức tăng chỉ còn 2,43%.

CPI 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
CPI 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho  biết, lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,27% so với tháng trước nhưng tăng tới 4,54% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân 5 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 5 tháng đầu năm giảm 15,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,51%. Đây là các yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Dấu hiệu lạm phát cơ bản tăng cao hơn CPI bình quân chung xuất hiện trong vài tháng qua, do đó, đây là điều cần được tiếp tục theo dõi. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát, như chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô. Giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022. 

Cùng với đó, nguồn cung lương thực, thực phẩm cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, giá các dịch vụ do nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.