Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 tiếp tục giữ được những biến động tích. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 394,41 điểm (35,73%) so với cuối năm trước. HNX-Index tăng đến 133,35% lên 473,99 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 51,35% lên 112,68 điểm.
Một điểm đáng chú ý của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đó là thị trường vẫn đi lên bất chấp việc khối ngoại bán ròng kỷ lục. Cụ thể, dòng vốn ngoại năm 2021 mua vào tổng cộng 9,5 tỷ cổ phiếu, trị giá 411.860 tỷ đồng, trong khi bán ra 10,9 tỷ cổ phiếu, trị giá 474.185 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức trên 1,4 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 62.325 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2020.
![]() |
Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng kỷ lục 57.832 tỷ đồng (gấp 3,8 lần năm ngoái), tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 1,2 tỷ cổ phiếu. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng gần 73.640 tỷ đồng.
![]() |
Toàn bộ cả 10 cổ phiếu trong danh sách bán ròng mạnh nhất sàn HoSE đều có giá trị trên 1.000 tỷ đồng. HPG đứng đầu danh sách bán ròng toàn thị trường chứng khoán năm 2021 với giá trị lên đến 18.925 tỷ đồng. VPB và VNM đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 9.331 tỷ đồng và 6.630 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 4.663 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xét về khớp lệnh, cổ phiếu chỉ được mua ròng trên 379 tỷ đồng. STB đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng với 4.206 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND và FUESSVFL đều được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 3.173 tỷ đồng và 1.154 tỷ đồng nhưng chủ yếu thông qua thỏa thuận.
![]() |
Tại sàn HNX, khối ngoại có năm bán ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị tăng 26% so với năm ngoái và ở mức 3.095 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 130 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 5 năm qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 8.620 tỷ đồng.
![]() |
Khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất mã CEO với giá trị 2.434 tỷ đồng. Trong số lượng bán ra cổ phiếu CEO năm 2021 có sự đóng góp lớn của Pyn Elite Fund. Trong những ngày cuối năm, tổ chức này liên tục bán ra cổ phiếu CEO ở vùng giá cao. PYN Elite Fund đầu tư vào CEO vào cuối năm 2015 khi đó cổ phiếu có giá chỉ loanh quanh 9.000 đồng-10.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá hiện nay, PYN đã lãi khoảng 7 lần sau 6 năm năm giữ.
Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX là VND với 486 tỷ đồng. PVS cũng bị bán ròng trên 413 tỷ đồng. Trong khi đó, THD được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 1.152 tỷ đồng. PVI và IDC đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 290 tỷ đồng và 189 tỷ đồng.
Ở sàn UPCoM, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.398 tỷ đồng (24,4% so với năm trước), tương ứng khối lượng bán ròng 24,3 triệu cổ phiếu.
![]() |
Cổ phiếu MML bị khối ngoại sàn UPCoM bán ròng mạnh nhất với giá trị 2.403 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VTP với 287 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, ACV dẫn đầu danh sách mua ròng sàn này với giá trị 580 tỷ đồng. CTR và MCH được mua ròng lần lượt 272 tỷ đồng và 252 tỷ đồng.
Tại buổi công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật nhất năm 2021 do CLB Nhà báo Chứng khoán (VSJC) tổ chức, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết con số khối ngoại rút tiền khỏi TTCK Việt Nam khoảng 1,2 tỷ USD, tính đến 21/12. Con số này tăng không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng, vẫn giữ một phần lớn tiền trên tài khoản. Bên cạnh đó, ông Dũng đề cập hiện giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Như vậy, dù rút ròng nhưng tài sản khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn tăng. Người đứng đầu UBCKNN cho rằng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng cũng nhận định dòng tiền khối ngoại không còn dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường vẫn tăng điểm trước động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Thanh khoản tăng kỷ lục cùng với số tài khoản mở mới. Xu hướng người dân chuyển từ gửi tiền tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán, đã lan rộng - đây là điều mà nhiều năm trước các thành viên thị trường luôn mong muốn.